|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quảng Bình liên tiếp thu hồi các quyết định nhạy cảm

07:40 | 09/01/2020
Chia sẻ
Chưa đầy một tháng, UBND tỉnh Quảng Bình phải ra hai thông báo về việc thu hồi các quyết định đã ban hành được cho là “nhạy cảm” để xem xét lại.

Thu hồi quyết định tăng vốn bất thường

Ngày 10/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Công Thuật ký Quyết định số 4791/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh giá trúng thầu và thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu số 2 và số 7 thuộc dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản thuộc những xã điện lưới quốc gia không đến được (QBSC).

Theo đó, quyết định tăng 212.000 USD cho đơn vị tư vấn giám sát, trong đó 130.000 USD dành cho việc đấu thầu lại và 82.000 USD dành cho việc điều chỉnh thiết kế.

Đến ngày 12/12/2019, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản yêu cầu thu hồi Quyết định 4791 nói trên. Lý do thu hồi lại quyết định nói trên nhằm xem xét lại các căn cứ pháp lý về việc tăng vốn.

Bởi trước đó, vào năm 2014, cả Ban quản lí dự án và Sở KH&ĐT Quảng Bình từng có văn bản trả lời nhà thầu và tham mưu UBND tỉnh theo hướng không tăng vốn cho 2 gói thầu nói trên. Hai cơ quan tham mưu này đưa ra căn cứ: Đây là hợp đồng trọn gói và các đề xuất của nhà thầu không đủ cơ sở để tăng vốn.

“Không bổ sung giá trị gói thầu dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công tổng dự toán; hỗ trợ công tác đấu thầu; giám sát thi công xây lắp, đào tạo và vận hành hệ thống dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình đã được ký kết giữa Ban QLDA QBSC và liên danh nhà thầu Dowha, Kunhwa, Kyunghwa và giao cho Ban QLDA QBSC dự thảo công văn của UBND tỉnh gửi Ngân hàng KEXIM thông báo về việc không điều chỉnh giá gói thầu nói trên” - Công văn của Sở KH&ĐT ngày 6/9/2014 nêu rõ.

Đồng thời ngày 13/8/2015, Ban QLDA QBSC có Công văn số 133/QBSC-KH trả lời nhà thầu tư vấn, trong đó nêu rõ: “Việc bổ sung giá trị gói thầu dịch vụ tư vấn đối với công việc tư vấn để tổ chức đấu thầu lại theo đề xuất của liên danh nhà thầu là chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định tại các điều khoản của hợp đồng đã ký và luật của Chính phủ Việt Nam”.

Tuy nhiên, sau 5 năm, cũng 2 cơ quan nói trên lại tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình tăng vốn cho nhà thầu. Động thái “tiền hậu bất nhất” này khiến dư luận xôn xao, báo chí vào cuộc, buộc UBND tỉnh Quảng Bình phải thu hồi lại quyết định.

Tạm dừng đấu giá “2 mỏ vàng” của Phong Nha - Kẻ Bàng

Ngày 18/11/2019, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 4492/QĐ-UBND, phê duyệt phương án bán đấu giá tài sản nhà nước đầu tư tại vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng gồm: Trạm kiểm lâm Trộ Mợng, Sông Chày - Hang Tối và Suối Nước Moọc.

Đến ngày 3/1/2020, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình lại ra thông báo số 26, về việc tạm dừng thực hiện bán đấu giá tài sản theo Quyết định số 4492 ban hành ngày 18/11/2019.

Liên quan đến Quyết định 4492, nhiều nhà đầu tư cũng như dư luận cho rằng: Phương án bán đấu giá tài sản nhà nước theo quyết định số 4492 có nhiều điểm không hợp lý, làm khó nhà đầu tư cũng như có thể gây thiệt hại đối với Nhà nước.

Theo đó, trước khi tiến hành đấu giá, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và các đơn vị liên quan đã định giá tài sản đem ra đấu giá là 63,1 tỷ đồng gồm: tại điểm du lịch Suối Nước Moọc có 26 hạng mục, được định giá là 12,59 tỷ đồng; Sông Chày - Hang Tối có 30 hạng mục được định giá 9,5 tỷ đồng; ngoài định giá tài sản hữu hình các hạng mục, tỉnh còn định giá phần tài sản vô hình là quyền khai thác du lịch được định giá 39,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư trúng đấu giá còn phải thương lượng (trả tiền) với các nhà đầu tư trước đó có tài sản ở các điểm du lịch nổi tiếng nói trên.

Theo các nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu giá thì đây là cách o bế cho một nhà đầu tư nào đó đã được chọn sẵn từ trước. Bởi tỉnh đứng ra đấu giá nhưng lại không định giá tài sản các nhà đầu tư liên quan đến các điểm du lịch này trước đó.

Nếu nhà đầu tư “đến sau” trúng đấu giá mà nhà đầu tư trước đó hét giá trên trời, hoặc không chịu thương lượng thì ai sẽ đứng ra giải quyết và giải quyết theo hướng nào?

Sông Chày - Hang Tối và suối Nước Moọc là hai địa danh du lịch nổi tiếng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trước đây, hai địa điểm này do cán bộ và nhân viên Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng góp cổ phần đầu tư khai thác. Đây được xem là “mỏ vàng”, mặc dù chỉ mới đầu tư sơ sài, nhưng nguồn thu từ 2 điểm du lịch này có năm gần 100 tỷ đồng.

Động thái thu hồi các quyết định mang tính chất “nhạy cảm” để rà soát lại của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, câu hỏi dư luận đặt ra: Vì sao lại có những quyết định này, ai tham mưu và tham mưu vì lí do gì, động cơ mục đích phía đằng sau là gì, cần phải được làm rõ.

Hoàng Nam