|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quan niệm sai lầm về thành công mà doanh nhân cần tránh

16:44 | 08/02/2019
Chia sẻ
Mức độ thành công phụ thuộc vào sự chăm chỉ và khả năng tự làm mọi việc, dữ liệu cần phải đóng vai trò quan trọng đối với quá trình ra quyết định là những quan niệm sai lầm về thành công mà nhiều doanh nhân muốn tránh.

Trong hành trình tìm sự thành công lâu bền trong kinh doanh, rất có thể chúng ta sẽ chấp nhận một số khái niệm sai lầm về thành công. Chắc chắn thành công phụ thuộc vào góc nhìn của người trong cuộc. Vô số cuộc trò chuyện với những doanh nhân giàu và nổi tiếng chứng tỏ điều đó.

“Ai đó có thể quan niệm rằng thành công thực sự là sống trọn vẹn mỗi ngày, là cảm giác thức dậy mỗi sáng để biết chúng ta sắp thực hiện những công việc mà chúng ta thích, dù chúng ta chẳng có một xu”, Nguyễn Thu Thảo, người đồng sáng lập công ty Vela, bình luận.

Dù quan niệm về thành công của mọi doanh nhân không giống nhau, họ đều muốn mọi cộng sự hiểu nó. Và trong rất nhiều trường hợp, các doanh nhân phải mạnh dạn nhận ra những quan niệm sai lầm về thành công để từ bỏ.

Số liệu luôn là đáp án chính xác

Vốn học ngành kỹ thuật, Thảo rất coi trọng dữ liệu, cho rằng nó là yếu tố quan trọng đối với mọi tổ chức. “Tôi thường dựa vào dữ liệu để ra quyết định. Nhưng một ngày nọ, tôi chợt nhận ra dữ liệu có thể cản trở quá trình ra quyết định nếu tôi quá coi trọng nó”, Thảo thổ lộ. Theo cô, dữ liệu không phải là đáp án cho mọi câu hỏi, đặc biệt là đối với những nội dung sáng tạo.

“Doanh nhân có thể đặt trọng tâm vào những dữ liệu sai chỉ vì chúng là dữ liệu mà họ có thể thu thập dễ dàng”, Thảo giải thích.

Chẳng hạn, trước khi tung ra một sản phẩm mới vào năm ngoái, Thảo từng khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó. Kết quả khảo sát cho thấy rất ít người ở nông thôn quan tâm tới sản phẩm. Nhưng khi Thảo giới thiệu sản phẩm ra thị trường, số lượng người mua ở nông thôn lại chiếm tỷ lệ khá lớn.

“Chúng ta không nên dựa vào dữ liệu để quyết định những việc mà chúng ta cần bắt chước hay bỏ qua. Thay vào đó, chúng ta nên dựa vào dữ liệu để đặt ra những câu hỏi tốt hơn, giàu thông tin hơn để tăng khả năng sáng tạo của chúng ta. Bạn không nên quan tâm tới những dữ liệu mà bạn không cần”, Thảo bình luận.

Thành công phụ thuộc vào sự chăm chỉ

Lê Hữu Quyết, chủ một chuỗi cửa hàng ăn vặt ở Hà Nội, khẳng định mọi doanh nhân đều phải làm việc chăm chỉ, song không nên kỳ vọng sự chăm chỉ sẽ mang tới thành công. Ngược lại, theo anh, tình trạng làm việc cật lực sẽ tác động xấu tới sức khỏe và năng suất kinh doanh của doanh nhân.

“Nói một cách đơn giản, sự chăm chỉ không phải là yếu tố quan trọng để thành công. Doanh nhân cần một mục đích để mọi nỗ lực không trở nên vô ích”, Quyết phát biểu.

Quyết cho rằng doanh nhân cần làm việc một cách sáng tạo để tăng năng suất, hiệu quả nhưng giảm thời gian lao động. “Trước đây, tôi chỉ quản lý một cửa hàng nhưng thương làm việc 10-12 giờ mỗi ngày. Nhờ học hỏi, rút kinh nghiệm để làm việc sáng tạo hơn, giờ đây tôi chỉ làm việc 6-8 giờ mỗi ngày dù quản lý 3 cửa hàng”, Quyết kể.

quan niem sai lam ve thanh cong ma doanh nhan can tranh
Rất nhiều doanh nhân đã thành công dù họ không làm việc chăm chỉ. Ảnh: square.com

Ông chủ chuỗi cửa hàng ăn vặt nhận định anh chỉ khuyên người khác làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày nếu họ đang theo đuổi một mục tiêu mà họ đam mê.

“Ví dụ, tôi sẵn sàng bật máy tính để học lập trình web sau khi những đứa con đi ngủ, bởi tôi muốn tự xử lý các vấn đề đối với trang web của chuỗi cửa hàng. Tôi cũng sẵn sàng dành tới 4 giờ mỗi ngày để luyện tiếng Anh để có thể giới thiệu các món ăn của tôi tới khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ làm những việc đó trong khoảng thời gian nhất định – chẳng hạn như 2 hoặc 4 tháng”, anh nói.

Người thành công phải có khả năng tự làm mọi việc

Mỗi khi gặp vấn đề khó, bản năng thôi thúc con người tìm sự giúp đỡ từ người khác. Tuy nhiên, Ngô Tuấn Dương, giám đốc một công ty đào tạo ngôn ngữ, từng không muốn nhờ người khác giúp vì lo ngại anh sẽ nhận lại ánh mắt thương hại.

“Sau đó tôi nhận ra rằng tôi sẽ đối mặt với vô số rủi ro nếu tự làm mọi việc thay vì tìm sự giúp đỡ. Thời đại doanh nhân tự làm mọi việc đã qua. Giờ đây, doanh nhân không nên sợ mất mặt khi nhờ người khác hỗ trợ, đặc biệt là trong hoạt động tư vấn tài chính hay đào tạo bán hàng", Dương bình luận.

Dương dẫn một nghiên cứu của Đại học Georgia (Mỹ), theo đó những người đạt thành tựu lớn trong đời có xu hướng nhờ vả người khác nhiều hơn so với cá nhân bình thường. Gần 70% nhà lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận mạng lưới quan hệ là yếu tố cần thiết trong sự nghiệp kinh doanh của họ.

“Quan điểm của tôi là đừng bao giờ tỏ ra chúng ta là người đa tài hay hoàn hảo. Hãy bỏ mặt nạ để nhờ người khác giúp, kể cả khi bạn phải thừa nhận công ty của bạn đang gặp khó khăn. Nếu không muốn phải liên tục chạy theo người khác để nhờ họ giúp, doanh nhân chỉ cần thiết lập các mối quan hệ hợp tác với những người giỏi, giàu kinh nghiệm”, Dương nói.

Xem thêm

Nhạc Dương

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.