|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quản lý thị trường xử lý gần 105.000 vụ vi phạm trong năm 2016

16:33 | 23/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 167.000 vụ việc, phát hiện và xử lý vi phạm gần 105.000 vụ, thu nộp ngân sách tới gần 549 tỷ đồng.
quan ly thi truong xu ly gan 105000 vu vi pham trong nam 2016
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn phổ biến, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389. (Ảnh: LLinh Lê)

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng Quản lý thị trường, đại diện đơn vị cho biết, năm vừa rồi lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 167.000 vụ việc, giảm hơn 7.000 vụ, tương đương 4,1% so với năm 2015.

Cụ thể, số vụ bị phát hiện và xử lý vi phạm là gần 105.000 vụ, tăng hơn 1.000 vụ (hay 1%) so với năm 2015.

Trong đó, mặt hàng phân bón có hơn 2.000 vụ vi phạm bị xử lý, tăng hơn 150% so với năm 2015 với số tiền phạt 22,7 tỷ đồng, 12 vụ việc đã được chuyển cơ quan điều tra; Mặt hàng thuốc lá có hơn 8.000 vụ vi phạm bị xử lý, tăng 16% so với năm 2015 với số tiền xử phạt lên tới 30,4 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng, tăng 89,1 tỷ đồng, tương đương 19,4% so với năm 2015.

Giá trị hàng tịch thu gần 381 tỷ đồng, có thêm 14,9 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,3% so với 2015; giá trị hàng tiêu hủy ước khoảng 162,5 tỷ đồng, tăng 47,8 tỷ đồng, tương đương 41,6 % so với năm 2015.

Một số Chi cục Quản lý thị trường đạt kết quả cao về số thu nộp ngân sách nhà nước như TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lạng Sơn…

Việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu năm qua tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, thuốc lá…; hàng tiêu dùng được tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, hàng may mặc…

Tình trạng vận chuyển hàng lậu theo đường sắt trong năm 2016 có xu hướng gia tăng. Các đối tượng vi phạm thường giấu hàng hóa trong thùng xe, cốp xe, xếp lẫn vào hàng hóa được phép lưu thông hoặc xé lẻ hàng để vận chuyển bằng nhiều xe; sử dụng xe khách, xe chuyển phát nhanh, xuồng máy, xe máy…

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhận xét, dù các vụ vi phạm bị xử lý rất nhiều nhưng tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu vẫn phổ biến, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2017 cần tập trung nâng cao chất lượng của lực lượng trong công tác quản lý thị trường về chính sách, thông tin, hiểu biết chuyên môn, thiết bị hỗ trợ…

Linh Lê