|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quản lí Fintech: Cân bằng rủi ro và lợi ích

07:39 | 11/09/2019
Chia sẻ
Trong khi cơ quan quản lý đang muốn đưa ra những chính sách nhằm siết chặt hoạt động của Fintech (doanh nghiệp công nghệ tài chính) do lo ngại rủi ro cho xã hội, thì các chuyên gia lại cho rằng đây là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội, nếu quản chặt sẽ khó phát triển.
Quản lí Fintech: Cân bằng rủi ro và lợi ích - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Thách thức đặt ra với cơ quan quản lý là cần làm sao hài hòa, cân bằng giữa rủi ro và lợi ích để phát triển được lĩnh vực này.

Hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển

Hiện nay dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai.

Bình luận về những dự thảo trên, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nói: “Định hướng ban hành chính sách dường như vẫn theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với Fintech nhiều hơn là tạo điều kiện phát triển trước và quản lý sau theo cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm những chính sách mới)”.

Ông Tuấn cho rằng nếu Việt Nam muốn phát triển theo cách mạng công nghiệp 4.0 thì nên áp dụng những định hướng phát triển mở rộng, thoải mái hơn, giảm kiểm soát.

Nói về dự thảo quy định cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán ở mức 30 hay 49% như dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, ông Tuấn cho rằng nếu giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức này sẽ rất khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc là các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia.

Lý giải vì sao đưa ra những dự thảo trên, ông Nghiêm Thanh Sơn, Vụ phó Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết tính đến hết quí 1-2019 có 27 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử nhưng 90% thị phần thuộc về 5 công ty có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% đến trên 90%.

“Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý về nguy cơ thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề này liên quan đến an ninh quốc gia và an ninh tiền tệ. NHNN đưa ra tỷ lệ sở hữu vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và đã tham khảo quy định của các luật quốc tế”, ông Sơn nói.

Chưa hài lòng với nhận định trên, ông Phùng Anh Tuấn cho rằng hiện nay Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển (về công nghệ, thị trường, nhân lực). Do đó, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech.

Ông còn cho rằng các rào cản bảo hộ về tỷ lệ sở hữu như trên không còn nhiều ý nghĩa, do các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách vượt qua như thông qua việc thành lập các tổ chức bình phong trong nước, hoặc thông qua người Việt Nam đứng tên hộ. Do đó, cần tính đến phương pháp quản lý khác.

“Chính phủ đã cho phép chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động nên không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại làm tiền lệ cho Fintech. 

Gần đây Việt Nam cam kết về mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng (hiệp định CPTPP, EVFTA). Do đó các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư (ISDS) tại nước ngoài thời gian gần đây”, ông Tuấn nói.

Nên quản thế nào

Theo một số khuyến nghị mà VAFI đưa ra, Fintech là lĩnh vực công nghệ mới nên cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro khác so với các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính - ngân hàng. Việc xây dựng chính sách nên ưu tiên lợi ích số đông, không lấy một vài trường hợp vi phạm để hạn chế nhu cầu của đa số người dùng vì mục đích chính đáng.

Ông Tuấn cho rằng về mặt chủ trương chính sách, hiện đang kêu gọi nhiều tổ chức, nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường để Fintech tại Việt Nam phát triển mạnh hơn. 

Do đó nếu chính sách chỉ duy trì ở mức bình bình, an toàn theo kiểu “dò đá qua sông” như từ trước đến nay vẫn làm thì không thể phát triển nhảy vọt; không thể đuổi kịp được các nước đã phát triển trước trong khu vực ASEAN.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc tìm điểm cân bằng hợp lý giữa rủi ro và lợi ích của những vấn đề mới hiện còn khá chậm và lúng túng. Câu chuyện bàn thảo giữa taxi truyền thống và Grab mãi vẫn chưa xong. Mà câu chuyện taxi còn đơn giản hơn Fintech nhiều, đứng về góc độ tác động, lợi ích và rủi ro kinh tế xã hội của tất cả các bên liên quan.

Theo ông Thành, vấn đề quan trọng với NHNN đó là việc giải trình. Bởi vì khi chưa biết được điểm cân bằng giữa rủi ro và lợi ích thì việc giải trình là rất quan trọng. 

Ví dụ, khi trình chính sách quản lý, NHNN sẽ phải giải trình mức độ rủi ro ra sao, cách gì để giảm rủi ro, giải trình về lợi ích của các bên liên quan (doanh nghiệp Fintech, ngân hàng, người tiêu dùng)... Đối với ngân hàng thì rủi ro là vốn, trong khi với Fintech vốn không phải là thứ quyết định. Điều này cần được cân nhắc kỹ bởi rủi ro đi kèm với lợi ích.

Ông Varun Mittal, Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển Fintech, có cơ hội bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Song, theo ông, nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, Fintech Việt Nam không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng.

“Nếu muốn tạo điều kiện cho Fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực thì phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt”, ông Varun Mittal nói.

Ông Thành cũng nhận định thêm, Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, do đó không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực Fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác.

Ông nói: “Không nên quá sợ Fintech. Mọi thứ đều có rủi ro và lợi ích. Nếu xác suất rủi ro xảy ra nhỏ nhưng tác động lan tỏa lớn thì phải có quy định riêng. Rủi ro không đơn thuần là yếu tố nước ngoài bao nhiêu phần trăm mà còn nhiều yếu tố liên quan khác”.

Vân Oanh