Quan điểm chuyên gia về tường vây metro Bến Thành
Trên số báo trước, ông Lê Nguyễn Minh Quang thông tin về việc “tự ý thay đổi” thiết kế độ dày của tường vây từ 2 m xuống 1,5 m cho đoạn ngầm từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở quận 1 (dài 170 m) là đảm bảo an toàn, tiết kiệm ngân sách…
Nhiều chuyên gia về công trình ngầm nghiêng về phương án của ông Quang nhưng có người thận trọng cho rằng cần tính toán kỹ hơn…
Phải tính toán, xem xét thật kỹ
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, TS Phùng Đức Long, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VN), cho biết nếu đã tính toán được và kỹ thì ổn.
“Tôi có 15 năm kinh nghiệm về các công trình hầm, ngầm ở Thụy Điển. Các ga ngầm ở Thụy Điển, Scandinavia có hệ thống hầm có khi chồng lên nhau và chưa bao giờ có tường dày tới 2 m” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, ở nước ngoài, việc thay đổi thiết kế diễn ra thường xuyên, các nhà thầu lớn đều có đội ngũ thiết kế của riêng họ, họ cũng đấu thầu các giải pháp thi công. “Vấn đề ở chỗ là phương pháp thực hiện thiết kế phản biện phải minh bạch, thiết kế và phản biện phải do các chuyên gia có kinh nghiệm tiến hành. Ở VN việc này không dễ. Về tuyến metro số 1, nếu tôi chịu trách nhiệm thiết kế hay đánh giá độc lập, tôi cũng sẽ nghiêng về giải pháp 1,5 m, thậm chí nhỏ hơn” - ông nói.
Ông nêu thực tế: Năm 2016 ông tính toán cho một công trình ngầm ở Stockholm (Thụy Điển) sâu khoảng 17 m, có tường chỉ dày 1 m mà xung quanh chằng chịt công trình hạ tầng cơ sở, cả móng nông và móng sâu. “Ban đầu các nhà thiết kế lo lắng chuyển dịch nền ảnh hưởng đến công trình xung quanh quá lớn, tới hơn 10 cm theo tính toán 2D của họ. Với phân tích 3D của tôi, biến dạng đất nền xung quanh là không đáng. “Vì sao tính toán của một chuyên gia ngồi tận VN lại được chấp nhận cho dự án nhiều tỉ USD ở Thụy Điển? Vì hệ thống thiết kế và đánh giá của Thụy Điển minh bạch và đáng tin cậy” - ông nói.
Còn kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cầu đường cảng TP HCM, thì cho rằng muốn nói có an toàn hay không thì cần kiểm tra và có tư vấn độc lập xem xét lại hồ sơ và các vấn đề liên quan. “Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN đã lập đoàn tư vấn, nếu được TP HCM yêu cầu để làm tư vấn độc lập thì chúng tôi sẽ triển khai sớm và sẽ kiểm tra lại cả hai phương án tường vây 2 m và 1,5 m” - ông Trường nói.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm. (Ảnh: Đ.Trọng) |
Liên tục quan trắc các công trình lân cận
Theo báo cáo của Sở GTVT TP HCM về nội dung điều chỉnh thiết kế tường vây gửi UBND TP HCM ngày 17-5, Sở GTVT cho biết trong bất kỳ trường hợp nào thì chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu phải thường xuyên, liên tục quan trắc các công trình lân cận, độ lún… trong quá trình thi công.
Sở GTVT cũng chỉ ra các công trình lân cận như Sài Gòn Center với số tầng hầm là năm, tường vây dày 1 m, Vincom A với sáu tầng hầm thì có tường vây dày 1,2 m, nhà ga Nhà hát TP với bốn tầng hầm thì có tường vây dày 1,5 m.
“Về cơ bản, chiều dày tường vây điều chỉnh 1,5 m vẫn đảm bảo chịu lực và ổn định (vì giảm chiều dày nhưng tăng cường cốt thép). Tuy nhiên, còn một số vị trí độ lún công trình lân cận có thể vượt giá trị cho phép (dù độ lún lệch công trình vẫn còn nằm trong giá trị cho phép). Mặt khác, vấn đề địa chất là vấn đề phức tạp, ngoài việc tính toán cần phải quan trắc thực tế chặt chẽ để kiểm soát và kịp thời xử lý” - báo cáo của Sở nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, cho hay là địa chất khu vực, độ sâu như nhau nhưng có đoạn 1,5 m, có đoạn 2 m là chưa hợp lý. “Sau đó các tư vấn, có cả tư vấn Nhật Bản đồng ý, dù họ rất ngại thay đổi nhưng quá trình đấu tranh, tôi đã thuyết phục được họ” - ông Quang nói.
Tuyến metro số 1 tại TPHCM: Vì đâu tường vây bị 'bào' còn 1,5m? | |
Metro thay thiết kế tường vây, ông Lê Nguyễn Minh Quang nói gì? |
“Đội vốn” được dự báo chưa dừng lạiTheo Kiểm toán Nhà nước, việc chậm tiến độ ở các gói thầu xây lắp của dự án làm chủ đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng tư vấn giám sát, kéo dài thời gian thêm bảy tháng với giá trị phát sinh hơn 110 tỉ đồng. Việc điều chỉnh dự án (theo Quyết định 229/2015), trong đó tiến độ kéo dài thêm năm năm làm chi phí tư vấn giám sát có nguy cơ phát sinh hơn nữa. Ngoài ra, việc chậm tiến độ dự án làm tăng chi phí lãi vay dự kiến phát sinh và phí cam kết dự kiến trên phần vốn vay chưa giải ngân. “Sai sót này thuộc UBND TP HCM, Ban quản lý Đường sắt đô thị và các bên liên quan” - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ. Đối với phần quản lý chi phí đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cho biết quá trình nghiệm thu thanh toán cho thấy việc tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá… dẫn đến phải điều chỉnh giảm giá trị chi phí đầu tư hoàn thành qua kiểm toán gần 2.750 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số gói thầu khi nghiệm thu các nhà thầu chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng của những khối lượng đã được nghiệm thu thanh toán với số thuế phải nộp hơn 53 tỉ đồng. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/