|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 12 giảm còn 46,4 điểm, tương đương giai đoạn 2012 - 2013

10:28 | 03/01/2023
Chia sẻ
Chỉ số PMI tháng 12 đã giảm xuống mức 46,4 điểm, là lần thứ hai giảm xuống ngưỡng dưới 50 điểm trong năm 2022 và tương đương những tháng thấp nhất của giai đoạn 2012-2013.

Theo báo cáo từ IHS Markit, trong tháng cuối của năm 2022, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm mạnh hơn khi nhu cầu cả ở trong nước và nước ngoài đều giảm. Trước tình hình đó, các công ty đã giảm việc làm và hoạt động mua hàng, trong khi niềm tin kinh doanh vẫn ở mức thấp.

Đây cũng là nguyên nhân khiến Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm từ mức 47,4 điểm xuống mức 46,4 điểm trong tháng 12 theo đánh giá của S&P Global.

Đây là lần thứ hai liên tiếp, PMI của Việt Nam nằm dưới ngưỡng trung tính (50 điểm), phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.

 PMI Việt Nam theo từng tháng trong giai đoạn 2011 - 2022 (Nguồn: S&P Global).

PMI tháng 12 giảm mạnh nhất kể từ đợt suy thoái liên quan đến đại dịch được ghi nhận trong quý III/2021. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 12 và đây là lần giảm thứ hai theo tháng và mức giảm lớn hơn tháng 11.

Nguyên nhân được nhắc đến là do tình hình nhu cầu nói chung là yếu, và tình trạng yếu kém được nhắc đến ở một số thị trường xuất khẩu chủ chốt. Những thị trường này bao gồm Trung Quốc Đại lục, Liên minh Châu Âu và Mỹ, và tình trạng cầu yếu kém đã khiến số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Trước tình hình số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các nhà sản xuất đã cắt giảm sản lượng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ giảm mạnh kể từ tháng 9/2021, nhanh hơn nhiều so với số lượng đơn đặt hàng mới.

Do đó, lượng hàng tồn kho tăng sau chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp. Khi yêu cầu sản xuất giảm trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty đã giảm số lượng nhân viên tương ứng. Việc làm đã giảm với tốc độ đáng kể, và mức giảm là mạnh nhất trong thời kỳ 14 tháng.

Các nhà sản xuất cũng giảm mua hàng hóa đầu vào, nhưng tồn kho hàng mua đã tăng lần đầu trong ba tháng do sản lượng giảm đến mức mà hàng hóa đầu vào thường được lưu kho chứ không được đưa vào sản xuất. Trong khi đó, sản lượng giảm mạnh đã góp phần làm giảm hàng tồn kho thành phẩm.

 Một nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: “Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 12, một phần do nhu cầu khách hàng giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc Đại lục, Liên minh Châu Âu và Mỹ".

Việc kiếm thêm các đơn đặt hàng mới có vẻ vẫn khó khăn cho đến khi những thị trường này khởi sắc, và một số công ty cho biết họ dự đoán nhu cầu vẫn yếu ít nhất là trong tương lai gần.

Các nhà sản xuất đã nhanh chóng đối phó với tình hình sụt giảm số lượng đơn đặt hàng mới khi dữ liệu chỉ số PMI mới nhất cho thấy sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng giảm mạnh hơn, và giá bán hàng cũng giảm để kích cầu. S&P Global Market Intelligence đang dự báo sản lượng công nghiệp tăng 6,8% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng 7,7% của năm 2022.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có một số dấu hiệu cho thấy áp lực tăng chi phí đang quay trở lại, nhưng mức tăng giá nguyên liệu đầu vào lần này không mạnh nhưng lần trước, từ đó các công ty có thể giảm giá cho khách hành nhằm thu hút nhiều đơn đặt hàng mới hơn.

Chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng, mặc dù mức tăng vẫn tương đối nhẹ và tốc độ tăng chậm hơn nhiều so với thời gian trước trong năm. Ở những nơi giá cả đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát nêu nguyên nhân là do chi phí nguyên vật liệu, khí đốt và vận chuyển tăng.

Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài tháng thứ hai liên tiếp, nhưng mức độ kéo dài chỉ là nhẹ. Với mức tăng chi phí tương đối nhẹ, các công ty đã có thể giảm giá bán hàng tháng thứ hai liên tiếp để kích thích nhu cầu khác hàng.

Sau khi đã giảm thành mức thấp của 14 tháng trong tháng 11, niềm tin trong tháng 12 về triển vọng sản lượng trong một năm tới vẫn thấp, mặc dù đã có cải thiện đôi chút. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, những khó khăn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2023. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại bày tỏ sự lạc quan rằng, nhu cầu sẽ phục hồi, từ đó khiến số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng sẽ tăng so với năm 2022.

Hạ An