|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phụ thuộc nông nghiệp, kinh tế ĐBSCL tăng trưởng chậm lại

21:35 | 08/01/2017
Chia sẻ
Tuy vẫn có mức tăng cao hơn so với bình quân chung cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm 2016 tiếp tục đi xuống so với năm trước, và đây cũng là năm thứ năm liên tiếp kinh tế khu vực này tăng trưởng chậm lại, tính từ năm 2011.
phu thuoc nong nghiep kinh te dbscl tang truong cham lai
Kinh tế ĐBSCL tiếp tục đi xuống. Trong ảnh là nhân công nhập kho gạo - một lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 20% năm 2016 (Ảnh: Trung Chánh)

Tuy vẫn có mức tăng cao hơn so với bình quân chung cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm 2016 tiếp tục đi xuống so với năm trước, và đây cũng là năm thứ năm liên tiếp kinh tế khu vực này tăng trưởng chậm lại, tính từ năm 2011.Kinh tế ĐBSCL tiếp tục đi xuống. Trong ảnh là nhân công nhập kho gạo - một lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 20% năm 2016. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội nghị “Tổng kết năm 2016, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017” do Ban chỉ tạo Tây Nam bộ tổ chức vào chiều nay, 8-1, tại Thành phố Cần Thơ, ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL năm 2016 đạt 6,9%, giảm 0,9% so với năm 2015 (7,8%).

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, đây cũng là năm thứ năm liên tiếp, tính từ năm 2011, kinh tế của vùng đi xuống.

Nói về xu hướng kinh tế ĐBSCL liên tục đi xuống, tại chương trình họp mặt hội viên năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng do cấu trúc kinh tế của vùng quá phụ thuộc vào nông nghiệp, dịch vụ thì yếu và công nghiệp cũng chỉ có chế biến, mà cũng chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Với cấu trúc quá phụ thuộc vào nông nghiệp như vậy, theo ông Dũng, là chưa thể đẩy kinh tế của vùng vượt lên.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt 10%/năm, thì bình quân giai đoạn 2011-2014 giảm xuống còn 8,8%/năm. Trong năm 2015, con số tăng trưởng kinh tế của vùng giảm xuống còn 7,8% so với 8,9% của năm 2014 và trong năm 2016 tiếp tục sụt giảm 0,9% so với năm trước đó như nêu ở trên.

Theo ông Thắng, giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng năm 2016 chỉ tăng 0,57% so với năm ngoái, trong khi sản xuất công nghiệp đạt 617.628 tỉ đồng, tăng 10,5% so năm trước đó. Nhưng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp của toàn vùng (51 khu công nghiệp với diện tích 1.998 héc ta) hiện chỉ đạt 66%.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất, nhập khẩu của vùng năm 2016 ước đạt 20,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu đạt 13,7 tỉ đô Mỹ, tăng 7,4% so với năm ngoái; nhập khẩu ước đạt 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% so với năm ngoái.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Thắng cho biết trong năm 2016 có 171 dự án được cấp phéo đầu tư, tăng 22 dự án so với năm ngoái, tổng vốn đăng ký là 1,36 tỉ đô Mỹ. Ngoài ra, có 115 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 555 triệu đô la Mỹ. “Như vậy, lũy kế đến nay, toàn vùng có 1.324 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 18,9 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước, nhưng chỉ chiếm 5,8% số dự án và 6% về số vốn đăng ký so với cả nước”, ông cho biết.

Còn về phát triển doanh nghiệp, trong năm 2016 có 7.890 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 55.571 tỉ đồng, tăng 9,4% về số doanh nghiệp và 7,7% về số vốn đăng ký. Doanh nghiệp tái hoạt động là 2.434, tăng 16,7% so năm ngoái, nhưng báo cáo không nêu số doanh nghiệp bị giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong vừa năm qua.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cho rằng năm 2016 ĐBSCL thực hiện tốt được ba việc: duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước (6,9% so với 6,21%); tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng tăng nhanh, đạt 13% (cả nước là hơn 9%); và tổng thu ngân sách vượt kế hoạch (đạt 56.014 tỉ đồng, tăng 11,3% so với dự toán).

Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực còn hạn chế, thua kém cả nước như thu hút vốn FDI còn thấp, chưa tới 2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, trong đó, 60% tập trung vào tỉnh Long An; phát triển doanh nghiệp tuy tích cực, nhưng vẫn còn quá ít so với hơn 110.000 doanh nghiệp mới thành của cả nước...

Trung Chánh