|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phong Nha thời homestay

20:05 | 21/07/2019
Chia sẻ
Từ người nông dân hay sơn tràng chân lấm tay bùn, ngủ một đêm họ có thể... trở thành chủ homestay bóng lộn.

Phong Nha, tên gọi hành chính 1 thôn thuộc xã Sơn Trạch (H.Bố Trạch) nằm trong khu dân cư sầm uất của xã, cũng là trung tâm dịch vụ khi đến với Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng bức tranh du lịch ở vùng đất kỳ thú ấy đang có những nét vẽ chệch choạc.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 1.

Một ngày đầu mùa du lịch, tôi theo dòng xe đủ loại lớn nhỏ đến từ nhiều tỉnh thành trực chỉ Phong Nha. Đến ngã ba rẽ vào từ đường Hồ Chí Minh, xe giảm tốc độ, cũng là lúc nhiều người đứng hai bên đường như chực nhảy bổ vào xe, miệng nói tay vẫy đủ kiểu. Trên tay họ có những mảnh giấy hay danh thiếp giới thiệu “nơi ăn chốn ở” tại Phong Nha.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 2.

Hình ảnh người kinh doanh chèo kéo khách vẫn dai dẳng ở Phong Nha.

Trung tâm xã Sơn Trạch giờ sầm uất hẳn với hàng loạt hàng quán, sặc sỡ biển hiệu chữ Việt chữ Tây. Xe tôi vừa rẽ vào đường xuống bến thuyền sông Son, ngay lập tức nhiều phụ nữ, cả người đang mang bầu, lao ra bủa vây mời gọi vào quán ăn uống nghỉ ngơi. Tôi rà xe dọc theo trục đường huyết mạch của vùng bờ nam sông Son, một đoạn vài ba cây số nhưng quá nhiều biển hiệu quảng cáo homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân), hostel, motel. Lướt qua nhiều cơ sở, mới hay gần như đó là homestay “trá hình”. Bởi có cả cơ sở lưu trú mang hình dáng kiểu khách sạn hay nhà nghỉ, phòng sát phòng, điều hòa máy lạnh. Chứ không phải là nhà dân, khung cảnh đơn sơ dân dã gắn với văn hóa cộng đồng đậm nét làng quê Việt. Hầu hết được xây mới. Có nơi gia chủ xây vài ba phòng trong khuôn viên vườn rồi cũng treo bảng homestay. Cảm giác chật chội, bức bí ngay giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 3.

Một điểm homestay "hiện đại" đặc trưng ở Phong Nha

Chúng tôi quyết định dừng chân tại cơ sở L., mới xây dựng và đưa vào sử dụng với quy mô hơn 10 phòng, bố trí 2 tầng, không gian thoáng rộng, chỉ cách bờ sông Son thơ mộng mấy bước chân. Giá chào chung là 700.000 phòng/đêm, nhưng chủ cơ sở quyết định giảm cho tôi 100.000 đồng. Điều hành trực tiếp tại đây là vợ chồng ông S. - bà T. cùng một người con; còn khoản booking, quảng bá trên Internet thì do một người con khác đang học đại học phụ trách. Phụ việc như giặt giũ, vệ sinh có vài phụ nữ địa phương. Cuối chiều và đầu buổi sáng, ông S. lại cầm vợt ra bể bơi mi ni để bắt côn trùng và vớt lá cây rơi vào bể. “Đầu tư hơn 4 tỉ, tiền vay mượn cả. Khách Tây thì chúng tôi xì lô xì la, chỉ trỏ ra hiệu nói chuyện vậy đó”, vừa vớt rác ông S. vừa nói.

Trời tắt nắng, tôi ra quán nước bên bờ sông Son ngồi. Khung cảnh quá đẹp! Bên kia sông, dãy núi cao sừng sững. Những ngôi nhà nho nhỏ dưới chân núi. Từng đoàn thuyền chở khách tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn trở về rộn rã khúc sông. Nhà chị bán nước ở đối diện bên đường. Hỏi sao không làm homestay, chị cười: “Tiền đâu mà làm chú, dân ở đây đa phần nghèo, người ta vay ngân hàng tiền tỉ làm cả đó”.

UBND xã Sơn Trạch đưa ra con số hơn 110 nhà nghỉ, khách sạn và homestay trên địa bản, trong đó hơn nửa là homestay. Mỗi homestay được hỗ trợ 15 triệu đồng. Chính quyền địa phương đang muốn tạo cơ sở hạ tầng du lịch, tạo công ăn việc làm cho dân nghèo. Nhưng thực tế không phải màu hồng!

Phong Nha thời homestay - Ảnh 4.

Đến mới hay, “cuộc chiến homestay” ở Phong Nha không kém phần khốc liệt. Khi không còn bám rừng được nữa, nhiều người chỉ biết trông chờ vào dịch vụ, du lịch. Nhưng mọi thứ như đang theo phong trào. Homestay ở Phong Nha gần như do bà con nông dân địa phương lập nên. Và họ phải đối mặt với những “đại gia” hay đôi khi còn gọi là “lord of Phong Nha” (chúa tể Phong Nha) sở hữu các hostel có lượng giường dorm (ký túc xá) rất lớn.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 5.

Các cơ sở lưu trú đua nhau mọc tại Phong Nha

Những ngày đầu mùa du lịch vừa qua, trên các diễn đàn du lịch, nhiều người tỏ ý  choáng váng trước việc cơ sở lưu trú ở Phong Nha hạ giá phòng xuống cực thấp; chỉ 3 - 5 USD/phòng, thậm chí nhiều cơ sở đưa xuống mức “kịch trần” 1 USD/phòng. Mục đích để giành khách. “Cá mập” hạ, “cá con” buộc phải hạ theo. Nhiều người thốt lên, đó là mức giá kỳ quái! Giá đó còn không đủ tiền điện nước; bỏ tiền tỉ nhưng thu tiền ngàn…

Phong Nha thời homestay - Ảnh 6.

Vì sao có mức giá lạ lùng đó nằm ở việc chủ cơ sở “ăn” vào tiền bán tour cho khách. Có nghĩa, nếu bắt mối, bán được tour cho khách lưu trú thì chủ được trích hoa hồng từ các công ty tổ chức tour, điểm du lịch. Từ đây lại sinh ra chiêu tranh giành khách giữa những nhà làm tour bằng cách đua nhau chi hoa hồng cao. Tiền đó hiển nhiên du khách gánh, muốn chi cao thì hãng tour phải thu cao hoặc giảm chất lượng dịch vụ. Như vậy lại quay về điểm xuất phát giá phòng, dù ở rẻ nhưng khách vẫn phải chi tiền tương đương, thậm chí cao hơn. Nhiều chủ homestay hồn nhiên kể họ chẳng trông chờ gì vào tiền phòng, sống nhờ tiền bán tour là chính!

Biết vậy, nhưng không phải ai cũng làm được. Gần như đó là cuộc chơi của một số ít “cá lớn”, còn những ông bà chủ “chân đất” chỉ là “cá bé”. Viễn cảnh này họ không hề đoán biết trước khi vay tiền tỉ xây dựng vài ba phòng. Đìu hiu ngày này qua ngày khác trong khi tiền nợ nhiều thêm, đó là điều dù muốn hay không thì nhiều homestay “tay ngang” ở Phong Nha đang phải đối mặt.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 7.

Trong báo cáo về tình hình phát triển mô hình homestay, UBND xã Sơn Trạch cho rằng: đặc điểm của loại hình này là trải nghiệm, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình chủ nhà. Nhưng trên thực tế, hầu hết người dân chưa hiểu để xây dựng mô hình homestay đúng nghĩa.

Phong Nha thời homestay - Ảnh 8.

Tiềm năng du lịch ở Phong Nha thì khỏi bàn, nhưng hiệu quả khai thác còn rất thấp, và chính quyền xã nhận ra khâu quản lý loại hình homestay “gặp nhiều khó khăn”. UBND xã Sơn thử đề xuất một số giải pháp. Đấy là yêu cầu quản lý chặt chẽ ngay từ khâu thẩm định cấp phép, có kế hoạch đào tạo lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở nhà dân, ban hành tiêu chuẩn xếp hạng homestay, phải có các dịch vụ mang đậm bản sắc riêng…

Phong Nha thời homestay - Ảnh 9.

Nếu không điều chỉnh mô hình kịp thời sẽ để lại nhiều hệ lụy cho du lịch ở Phong Nha

Nhưng để giải bài toán, không chỉ có chừng ấy “đề xuất”. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis, đặt vấn đề các cơ sở cần ngồi lại, soạn ra một thỏa thuận tự nguyện chung cho cộng đồng kinh doanh lưu trú. Không để dân nghèo lâm cảnh nợ nần, các chủ homestay càng phải đoàn kết  lập chi hội để không bị các “ông lớn” bắt nạt. Như ở Chiang Mai (Thái Lan), cách làm homestay hay các mô hình kinh doanh đều bài bản, tập hợp thành câu lạc bộ hay nhóm. Các nhóm tự đề ra các tiêu chí mà thành viên cần tuân thủ như chất lượng, dịch vụ, giá cả.

Một điều cốt lõi nữa mà ông Nguyễn Châu Á gợi ý chính là tạo sản phẩm đa dạng, có chỗ chơi chứ Phong Nha không chỉ có… hang động. Một khi môn mạo hiểm nào cũng có ở Phong Nha, mọi người sẽ cùng cạnh tranh để đưa vương quốc hang động kỳ bí trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm lớn nhất châu Á. Lúc đó, khách đến nhiều, nhà nào cũng có phần bánh của mình.

Tôi đâm lo khi nhớ lúc ngồi bên dòng Son huyền ảo, anh T. thở dài: “Chỗ tôi cửa đóng khá lâu rồi, có khách đâu? Làm mấy phòng mong kiếm thu nhập, nhưng khắc nghiệt quá. Không đua nổi với họ”.

Đồ họa: Lâm Nhựt. Ảnh: T.Q.N