|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng: Hoàn thiện mô hình giám sát tài chính, đáp ứng yêu cầu phát triển

19:00 | 13/01/2024
Chia sẻ
BNEWS Sáng 13/1, chủ trì buổi làm việc, đánh giá về chức năng, nhiệm vụ, mô hình Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sau 15 năm thành lập, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận 4 kết quả nổi bật.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. (Ảnh: An Đăng/TTXVN).

Đó là Ủy ban đã xây dựng và thường xuyên cập nhật, hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu giám sát nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia; nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối giám sát thị trường tài chính quốc gia, thông qua phối hợp với các bộ, ngành; tham gia ý kiến với nhiều dự thảo luật, nghị định, chiến lược, kế hoạch, đề án về quản lý, giám sát, phát triển thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, Ủy ban chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Cụ thể là đã cung cấp nhiều báo cáo nghiên cứu, phân tích, đánh giá, khuyến cáo, đề xuất có giá trị tham khảo cao để có các chính sách kịp thời.

Đơn cử, khi đại dịch COVID-19 được khống chế, Ủy ban đã kiến nghị sớm có kế hoạch mở cửa nền kinh tế, sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lớn hơn và thời gian hỗ trợ đủ dài...

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là cơ quan tiên phong trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát chung, toàn diện về thị trường tài chính quốc gia, bao gồm tất cả các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoản, bảo hiểm và dữ liệu thống kê khác (Dự án Hệ thống thông tin giám sát thị trường tài chính).

Chia sẻ với những khó khăn của Ủy ban thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn Ủy ban phối hợp với các bộ, ngành khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Nhấn mạnh, thời gian tới, thị trường tài chính nước ta sẽ có bước phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn, phức tạp, mức độ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro liên thông, đặt ra yêu cầu phải giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời, Phó Thủ tướng cho rằng, điều này đòi hỏi phải quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, quan tâm nhiều hơn đến lực lượng làm nhiệm vụ này.

Cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình giám sát tài chính trong thời gian tới, đặc biệt đảm bảo yêu cầu giám sát chung, giám sát liên thông giữa các khu vực tài chính, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ tốt của thế giới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các bộ, ngành, cơ quan hoàn thành các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng thời hạn.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, tạo điều kiện để Ủy ban hoạt động tốt hơn.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong chia sẻ thông tin, nhận diện, cảnh báo và xử lý rủi ro trong việc điều phối hoạt động giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, đảm bảo yêu cầu và hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường tài chính.

Về kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia liên quan đến thực hiện nâng cấp Hệ thống thông tin giám sát thị trường tài chính của Ủy ban, phương án dự phòng thảm họa, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban căn cứ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan làm rõ nội dung đề xuất về cơ chế đặt hàng sản phẩm báo cáo giám sát thị trường tài chính, thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường đề xuất Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đánh giá về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban hiện nay để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định giám sát về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu mô hình cơ quan giám sát thị trường tài chính gắn với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, qua 15 năm hoạt động, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã làm khá tốt chức năng, nhiệm vụ, đưa ra nhiều thông tin, báo cáo có chất lượng, tham mưu cho Thủ tướng, đóng góp cho các bộ, ngành trong đánh giá xây dựng chính sách, tổ chức giám sát tài chính. Theo ông, cần có tổng kết toàn diện về mô hình Ủy ban này, trên cơ sở đó có định hướng về tổ chức và hoạt động trong thời gian tới.

Cùng quan điểm cần tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động của Ủy ban để có cơ sở đề xuất tiếp theo, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phải có vị thế tương đối độc lập với các cơ quan làm chính sách, cần nghiên cứu sâu về chức năng cụ thể của Ủy ban, tránh trùng lặp với chức năng của các bộ. Nhiệm vụ của Ủy ban là cung cấp ý kiến phản biện để hoàn thiện chính sách thì mới mang lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Nhữ Thăng cho biết, Ủy ban có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính quốc gia; giám sát các tập đoàn tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).

Các hoạt động giám sát thị trường tài chính được thực hiện thông qua giám sát từ xa và độc lập, đảm bảo không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Ủy ban bao gồm 5 đơn vị trực thuộc với định biên là 71 công chức và 14 viên chức trong giai đoạn 2022 – 2026. Ủy ban đã chủ động rà soát sắp xếp lại bộ máy, các ban chuyên môn không có cấp phòng, đồng thời giảm số lượng phòng tại Văn phòng và Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia. Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban đã sắp xếp tinh giản được 14 phòng (riêng giai đoạn 2020 đến nay đã giảm 12 phòng).

Thực hiện nhiệm vụ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, Ủy ban đã xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát phù hợp với các tiêu chí an toàn tài chính do các bộ, cơ quan chức năng ban hành và tham khảo chuẩn mực quốc tế.

Trên cơ sở thông tin do định chế tài chính cung cấp, Ủy ban phân tích, xây dựng các báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề đánh giá sự lành mạnh của hệ thống định chế tài chính Việt Nam; nhận diện, cảnh báo và đánh giá rủi ro tiềm ẩn đối với các định chế tài chính, rủi ro chéo giữa lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm và với lĩnh vực bất động sản; phân loại các định chế tài chính theo mức độ rủi ro...

Thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát thị trường tài chính quốc gia, Ủy ban đã triển khai phối hợp, tham gia ý kiến các dự thảo luật, nghị định, dự thảo chiến lược, kế hoạch, đề án... về quản lý, giám sát, phát triển thị trường tài chính do các bộ, ngành liên quan xây dựng; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan xin ý kiến tham gia các báo cáo định kỳ trước khi trình Thủ tướng theo chỉ đạo.

Ông Vũ Nhữ Thăng cũng nêu một số khó khăn trong hoạt động của Ủy ban. Trong đó, việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia và giám sát chuyên ngành hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp với các bộ, cơ quan khó khăn.

Hoạt động thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát chung thị trường tài chính quốc gia còn vướng về cơ chế. Ủy ban chưa được tiếp cận thông tin về hoạt động và chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế, tài chính của Chính phủ và các cơ quan quản lý chuyên ngành…

Chu Thanh Vân