Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: Doanh nghiệp xây dựng 10 thương hiệu chỉ thành công 2, cái giá phải trả rất đắt
Tại diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Hà Nội, doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ về câu chuyện làm thương hiệu của công ty nước giải khát hàng đầu Việt Nam.
"Một trong những điều tạo nên sự khác biệt của Tân Hiệp Phát là chọn xây dựng thương hiệu ngay từ những ngày đầu. Vào năm 2001, khi mà thị trường toàn những ông lớn, thì Tân Hiệp Phát quyết định không làm những sản phẩm và đặt tên nhái theo cái cách mà nhiều doanh nghiệp vẫn làm".
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát, chia sẻ câu chuyện làm thương hiệu của công ty nước giải khát hàng đầu Việt Nam tại diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Tân Hiệp Phát đã cho ra đời một thương hiệu riêng và có một Teaser nổi tiếng "Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam", và đến nay đã đánh dấu 18 năm kể từ ngày ra đời nhãn hàng nước tăng lực đầu tiên – Number One.
Cá nhân bà Uyên Phương đã từng trải nghiệm những chương trình đào tạo về xây dựng thương hiệu ở nước ngoài, trong lớp có khoảng 150 doanh nghiệp. Câu hỏi nên out source hay nên tự xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình luôn được đặt ra, đây là hai cuộc chơi hoàn toàn khác nhau, chi phí cũng khác nhau.
Theo vị Phó TGĐ Tân Hiệp Phát, để có thương hiệu Number One tồn tại suốt 18 năm và được nhiều người biết đến không phải là một đoạn đường ngắn, công ty cũng đã phải trải qua nhiều thăng trầm khác nhau.
"Về cơ bản, để thương hiệu được biết đến, đầu tiên người tiêu dùng phải biết sự tồn tại của nó. Sau đó người tiêu dùng nhắc đến và nhớ về thương hiệu khi họ mua sản phẩm. Cuối cùng mới là thương hiệu được khách hàng yêu thương", bà Uyên Phương chia sẻ.
Để có được điều ấy không phải dễ, nhiều doanh nghiệp bỏ số tiền khổng lồ để nhãn hiệu của mình được yêu thích. Theo xác suất và một số thống kê của các tập đoàn lớn trên thế giới thì chỉ có 20% các thương hiệu ra thị trường sẽ thành công. Nếu như vậy, khi có 10 sản phẩm, doanh nghiệp xác định sẽ "chết" 8, và chỉ còn 2. Đây là bài toán rất đắt tiền, cần một quá trình và thời gian dài.
Doanh nghiệp phải có nguồn lực và để cho sản phẩm sống được trên thị trường. Sống được đến bao nhiêu, thời gian vượt qua được bao nhiêu thì mới có thể xây dựng được đến một mức độ yêu thích nhất định, bà Uyên Phương cho biết.
Những thương hiệu của Tân Hiệp Phát như Number One xây dựng 18 năm, Trà xanh Không độ xây dựng 14 năm, trà thảo mộc Dr. Thanh xây dựng 10 năm... Đó là câu chuyện không chỉ về nhãn hiệu mà là nỗ lực tổng thể cả về quy trình, con người, đào tạo, cải tiến, phát triển.
Về phần mình, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát mong mỏi làm sao có cách tiếp cận nhanh hơn dành cho doanh nghiệp khi có khủng hoảng thương hiệu xảy ra.
Hiện nay cạnh tranh trên thị trường đặc biệt với các nhãn hàng rất khốc liệt. Đã có nhiều nhãn hàng trên thế giới mất trắng sau một khoảng thời gian ngắn bất chấp quá trình xây dựng kéo dài cả chục năm.
"Khi mà chúng tôi mất 18 – 20 năm để có thể xây dựng một thương hiệu, chúng tôi cũng muốn có cơ quan nào đó để có thể giúp chúng tôi bảo vệ nó", bà Phương chia sẻ.
Cùng đứng trên quan điểm của một doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng: "Khi xây dựng thương hiệu, phải hiểu nội hàm của thương hiệu".
Theo ông Hải, thương hiệu phải gắn liền chất lượng sản phẩm, đó là yếu tố cốt lõi. Nếu doanh nghiệp khoác lên sản phẩm một tấm áo đẹp đẽ mà không làm toát lên được nội hàm chất lượng sản phẩm thì trước sau gì thương hiệu cũng sụp đổ.
Thứ hai là phải sáng tạo không ngừng, nếu không biết thổi hồn vào sản phẩm, thương hiệu đó sẽ trở nên cũ và già cỗi.
Cuối cùng, phải có sự thay đổi về tiếp cận truyền thống, thương hiệu phải được công chúng hóa đi vào tất cả mọi người. Thương hiệu từ của doanh nghiệp trở thành thương hiệu quốc gia, nếu làm tốt điều đó thì lợi ích đem lại rất lớn, khi đó chính người tiêu dùng là những người bảo vệ thương hiệu khi gặp khủng hoảng.