Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang làm phó bí thư TP Cần Thơ
Quyết định điều động được Phó ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng trao cho ông Tuyên chiều 10/2 tại Thành ủy Cần Thơ. Tân Phó bí thư Cần Thơ năm nay 56 tuổi, quê huyện Yên Định, Thanh Hóa, thạc sĩ kinh tế, từng giữ các chức vụ ở Hậu Giang như: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/crawl-20250210194404891.jpg)
Phó ban Tổ chức Trung ương Đỗ Trọng Hưng (phải) trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Trương Cảnh Tuyên. (Ảnh: An Bình).
Tại buổi trao quyết định, ông Hưng cho biết ông Tuyên là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, được Ban Bí thư đánh giá có năng lực, tư duy, kinh nghiệm, làm việc hiệu quả... Ông Tuyên được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2021-2026.
"Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương đối với ông Tuyên", ông Hưng nói và cho biết Ban Bí thư đề nghị ông Tuyên nhanh chóng bắt tay vào công việc, cùng Đảng bộ TP Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ được giao; thúc đẩy địa phương phát triển nhanh, bền vững...
Trước đó, hôm 20/1, ông Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, được điều động làm Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2020-2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 7,5-8% mỗi năm; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145-160 triệu đồng, tương đương từ 6.200-6.800 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 0,5%.
Là đô thị lớn nhất miền Tây, song thành phố được đánh giá phát triển chưa tương xứng với vị trí và tiềm lực. Chất lượng quy hoạch đô thị thành phố chưa cao, còn nhiều bất cập như: hạ tầng chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng gia tăng, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép...
Trong nhiệm kỳ này, thành phố tập trung xây dựng và phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ; là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long về công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu...