Phe bán khống bị ghét nhưng lại rất cần thiết cho thị trường
Loạn chiến xung quanh GameStop đã khiến bán khống, một trong những chiến thuật lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán, trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Giám đốc điều hành Ihor Dusaniwsky của S3 Partners, công ty chyên nghiên cứu dữ liệu bán khống cho biết: "Bán khống là một phần của quy trình giao dịch bình thường kể từ khi các sàn giao dịch ra đời. Gần đây, chúng tôi thấy hoạt động bán khống đã gia tăng với nhiều cổ phiếu mục tiêu khác nhau".
Bán khống luôn là hành vi gây tranh cãi và thường bị đổ lỗi là nguyên do khiến thị trường giảm điểm. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã buộc phải can thiệp để quản lý bán khống chặt chẽ hơn sau khi đội bán khống một lần nữa bị cho là khiến thị trường tụt dốc năm 1937.
Bà Sasha Indarte, Giáo sư tài chính tại trường Wharton của Đại học Pennsylvania chia sẻ với CNBC: "Tôi nghĩ lý do chính khiến mọi người ghét bán khống là việc kiếm tiền từ thất bại của người khác nghe có vẻ sai trái. Người bán khống lãi khi kẻ khác lỗ".
Bán khống là hành vi khi nhà đầu tư vay chứng khoán từ công ty môi giới và bán chúng đi với hy vọng sau này sẽ mua lại được với giá rẻ hơn. Nếu chứng khoán sụt giảm, người bán khống lãi từ chênh lệnh giữa giá bán và giá mua. Bán khống chủ yếu được thực hiện bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp như quản lý quỹ đầu cơ.
Hiện tượng bán non xảy ra khi giá tăng cao khiến người bán khống phải vội vã mua lại chứng khoán để trả lại hàng, cắt lỗ.
Nhiều nước tại châu Á và châu Âu cấm bán khống trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng lệnh cấm bán khống thực chất lại có hại cho thị trường chứng khoán nhiều hơn là có lợi.
"Trong khủng hoảng tài chính giữa 2007 và 2009, các nhà quản lý thị trường đã tạm cấm bán khống để đối phó việc chứng khoán lao dốc nặng nề. Về sau họ đã bày tỏ sự hối tiếc về hành động này", Giáo sư Indarte cho biết.
Xác định giá hợp lý
Bất chấp cái nhìn tiêu cực của dư luận, bán khống có vai trò quan trọng trong thị trường. Ví dụ, bán khống giúp việc xác định giá chính xác hơn – một trong những chức năng chính của thị trường chứng khoán.
Giám đốc Dusaniwsky cảnh báo: "Nếu không nhờ đội bán khống thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư dài hạn mua và đẩy giá các cổ phiếu thực chất không có chút giá trị nào".
Lật tẩy gian lận
Bán khống cũng giúp gian lận sớm bị phát hiện.
Ông Jason Snipe, CEO Odyssey Capital Advisors cho biết: "Có những công ty làm chuyện sai trái, ví dụ như thực hiện các hành vi gian lận. Việc bán khống cổ phiếu đôi khi giúp đưa những sai trái này ra ngoài ánh sáng".
Ông Jim Chanos, trùm bán khống khét tiếng ở Phố Wall phàn nàn: "Mọi người thấy vui vẻ khi kiếm được tiền từ cổ phiếu tăng giá. Họ ngoảnh mặt làm ngơ trước các hoạt động tồi tệ của doanh nghiệp. Rồi đến khi lỗ thì những người này lại cáu điên lên".
Tuy nhiên sau những sự kiện gần đây, giới chuyên gia cảnh báo rằng mạng xã hội và "cổ phiếu meme" có thể dẫn đến thay đổi trong việc bán khống. Dữ liệu gần đây cho thấy các quỹ đầu cơ đã giảm mạnh việc bán khống do sợ bị tấn công bởi cơn sốt của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
CEO Snipe nhận định: "Với sự ra đời của mạng xã hội và một số nền tảng khác mà công chúng theo dõi ngày nay, SEC có lẽ sẽ phải suy nghĩ kỹ và có cách tiếp cận hợp lý về bán khống".