Phát hành trái phiếu Chính phủ tích cực ngay từ đầu năm
Những tuần đầu năm 2023, phát hành trái phiếu chính phủ ghi nhận kết quả tích cực. Trong tuần 2/1 - 6/1, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu tại hai loại kỳ hạn 10 năm và 15 năm với giá trị chào thầu đều ở mức 3.000 tỷ đồng.
Khối lượng đặt thầu cho TPCP các loại kỳ hạn trên đều vượt mức chào thầu, gấp 4,3 giá trị gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu đạt 100%.
Ở kỳ hạn 15 năm, lượng đặt thầu ở mức 4,05 lần giá trị chào thầu (13.650 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu đạt 100%, lãi suất tăng 0,07% so với lần trúng thầu gần nhất.
Lượng đặt thầu kỳ hạn 10 năm ở mức 4,55 lần so với giá trị chào thầu (12.150 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu 100%, tại mức lãi suất 4,53%, giảm 0,12% so với lần trúng thầu gần nhất.
Trong bối cảnh hiện tại, khi các hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, chỉ số PMI đã có 2 tháng liên tiếp giảm mạnh xuống dưới 50 điểm, đầu tư công sẽ cần được đẩy mạnh hơn để hỗ trợ cho nền kinh tế trong các tháng tới đây.
BVSC cho rằng đầu tư công trong năm nay sẽ được giải ngân ở mức cao, với kế hoạch từ đầu năm là trên 700.000 tỷ đồng, do đó, lượng phát hành TPCP trong năm 2023 cũng sẽ là rất lớn để hỗ trợ nguồn vốn giải ngân đầu tư công.
Trong năm 2022, lượng phát hành TPCP chỉ đạt trên 200.000 tỷ, một phần do giải ngân đầu tư công gặp khó và không hoàn thành được kế hoạch ban đầu.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích của BVSC kỳ vọng trong năm 2023, khi thời điểm giải ngân gặp nhiều thuận lợi hơn (sau 2 năm các dự án có thời gian để chuẩn bị hồ sơ và giải phòng mặt bằng), giải ngân đầu tư công sẽ tích cực hơn, qua đó việc phát hành TPCP cũng sẽ ở mức cao hơn.
Theo Nghị quyết về dự toán NSNN 2023 của Quốc hội, tổng mức vay NSNN trong năm 2023 sẽ là trên 648.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với mức dự toán của năm 2022.
Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch mua lần đầu tiên sau 2 tháng chỉ bán. Giá trị mua ở mức 63,68 tỷ đồng, trong khi lượng bán ra ở mức 16 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần này, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 48 tỷ đồng.