|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Phần 2] Sóng ngầm chưa dứt tại Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API): Nội chiến

05:12 | 28/12/2018
Chia sẻ
Cuộc nội chiến giữa hai nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài của API bắt đầu được dư luận biết đến từ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
phan 2 song ngam chua dut tai dau tu chau a thai binh duong api noi chien [Phần 1] Sóng ngầm chưa dứt tại Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API): Đi lên từ lỗ lũy kế

Ví dụ điển hình về xung đột lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Một góc tối bên cạnh bức tranh kinh doanh tươi sáng của API là cuộc nội chiến giữa hai nhóm cổ đông lớn. Nhóm thứ nhất là nhóm cổ đông nội do ông Nguyễn Đỗ Lăng đứng đầu, bao gồm ông Nguyễn Đỗ Lăng (Chủ tịch API), bà Huỳnh Mai Dung (vợ ông Lăng), bà Nguyễn Thị Bổn, CTCP chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương và một số cá nhân khác.

Nhóm thứ 2 là nhóm cổ đông ngoại, với đại diện là hai tổ chức Asean Deep Value Fund (ADVF) và Lucerne Enterprise Ltd cùng ngoài ra còn có một số tổ chức và cá nhân nước ngoài khác.,

Mỗi nhóm chiếm hơn 40% số cổ phiếu lưu hành của API. Điều đáng nói ở đây là ADVF và Lucerne Enterprise Ltd đã gắn bó với API từ những ngày khi mà doanh thu của API vẫn là con số không và đến nay, khi mô hình kinh doanh dần đi vào quỹ đạo thì cũng là lúc cuộc nội chiến diễn ra.

Trước thềm Đại Hội đồng cổ đông năm 2017, đã có dấu hiệu của cuộc chiến, khi mà các bên cạnh tranh nhau gom cổ phiếu, đẩy thị giá cổ phiếu API lên đỉnh điểm 36.300 đồng/cổ phần.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ADVF đã bị truất quyền tham dự cuộc họp do theo lập luận của API, ADVF đã không đáp ứng đủ các điều kiện về hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Nghị định 111/2011/NĐ-CP.

Ông David Peter O’Neil là đại diện duy nhất được phép tham dự biểu quyết tại cuộc họp (do có sở hữu cổ phần của cá nhân ông), tại đây đã xảy ra chất vấn nảy lửa chủ yếu liên quan đến vấn đề phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ do phía nước ngoài lo ngại vấn đề pha loãng quyền biểu quyết. Tuy nhiên, do không có đủ quyền phủ quyết, nhóm cổ đông ngoại đành ngậm ngùi nhìn nghị quyết đại hội được thông qua.

Cũng tại cuộc họp này, ông Nguyễn Đỗ Lăng đã đề cập đến vấn đề hủy niêm yết, tuy nhiên về sau tờ trình hủy niêm yết được loại bỏ.

Câu chuyện về sau đã rõ, Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017 của API đã bị tòa án yêu cầu dừng thực hiện khẩn cấp do có đơn kiện của ADVF, nhưng không dừng lại ở đó, API tiếp tục kháng cáo. API cho rằng họ là những người đầu tiên thực hiện đúng và chuẩn pháp luật Việt Nam, điều này được khẳng định tại Báo cáo thường niên năm 2017 của công ty.

Hiện chưa rõ ai đúng ai sai nhưng rõ ràng đây là một ví dụ điển hình mà nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam nên biết và có sự chuẩn bị nếu cảm thấy mâu thuẫn lợi ích xuất hiện vì những cổ đông nội, người trực tiếp lãnh đạo công ty có nhiều lợi thế hơn so với các nhóm cổ đông ngoại.

Bởi lẽ cổ đông nội là những người chỉ đạo được đội ngũ nhân viên, làm việc trực tiếp với các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, chủ động trong ban hành các tài liệu họp bao gồm cả quy chế cuộc họp và hơn hết họ là những người đầu tiên nhận được danh sách cổ đông từ Trung tâm Lưu ký Chứng Khoán, biết rõ tỷ lệ sở hữu của từng nhóm để đưa ra phương án đối phó, có thể liên hệ với các cổ đông trong danh sách để xin ủy quyền biểu quyết.

Trong khi đó, để đạt được các quyền lợi về đưa nội dung họp, trích lục danh sách cổ đông, nhóm cổ đông ngoại phải nắm giữ tỷ lệ cao tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty, đồng thời phải thực hiện theo một quy trình phức tạp và tốn thời gian.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, nhóm cổ đông ngoại đã đủ điều kiện tham gia đại hội (chiếm 46,19% tổng số cổ phần tham dự cuộc họp). Tại cuộc họp, nhóm cổ đông ngoại tiếp tục phủ quyết các tờ trình liên quan đến vấn đề tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu bao gồm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ. Chỉ phương án phát hành cổ phiếu thưởng được thông qua.

Cũng tại cuộc họp, bà Lusy Miranda (một trong hai đại diện của nhóm cổ đông ngoại tham gia HĐQT – bên cạnh ông David Rose) đã bị miễn nhiệm khỏi hội đồng quản trị do không đáp ứng điều kiện về số lần tham dự họp.

Tại cuộc họp, vấn đề hủy niêm yết API một lần nữa được nhắc đến qua lời phát biểu ý kiến và đề nghị của một cổ đông, tuy nhiên ý kiến này sau đó đã không được xem xét đưa vào nội dung biểu quyết.

Trong năm 2018, ADVF liên tục đăng ký mua thêm cổ phiếu API, đến ngày 30/11/2018 đã mua thành công 296.800 cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, bà Huỳnh Mai Dung (vợ ông Lăng) cũng mua vào thành công 2.748.800 cổ phiếu.

Như vậy tính đến ngày 24/12/2018, ADVF và bà Huỳnh Mai Dung sở hữu lần lượt là 6.598.200 cổ phiếu, chiếm 18,64% và 3.573.800 cổ phiếu, chiếm 10,6% tổng số cổ phiếu lưu hành. Theo số liệu thống kê, có thể ước tính số lượng cổ phiếu trôi nổi chỉ còn không đến 10%.

Tổng số cổ phiếu cổ phiếu API trôi nổi không còn nhiều, do đó thị giá có lẽ không còn phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu này. Cuộc chạy đua gom cổ phiếu năm 2018 hứa hẹn một kỳ đại hội năm 2019 tiếp tục “sôi động”.

phan 2 song ngam chua dut tai dau tu chau a thai binh duong api noi chien
Cơ cấu cổ đông hiện tại của API. Nguồn: tác giả thống kê từ công bố thông tin.

Không thể phủ nhận được những thành công của API trong ba năm trở lại đây, nhưng sự phát triển bền vững của công ty sẽ là một dấu hỏi lớn khi mà để phát triển vững về quy mô, nhanh về tốc độ thì không thể thiếu được việc huy động thêm vốn chủ sở hữu, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, yêu cầu chứng minh năng lực tài chính mà vốn chủ sở hữu là một trong những chỉ tiêu để cơ quan chức năng xem xét đánh giá.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, khi mà cuộc nội chiến chưa có bên nhượng bộ, có lẽ câu chuyện tăng vốn của API còn là câu chuyện dài với nhiều tranh cãi.

Xem thêm

Trần Hùng