PGS.TS Phạm Thế Anh: 'Tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập, nên khống chế cung tiền ở mức 10%'
Tại tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", sáng 11/7, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, do độ trễ chính sách rất lớn trong khi đó tình hình kinh tế lại biến động rất nhanh.
Ông khuyến nghị cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả. Chuyên gia nhấn mạnh tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập và cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%.
"Ở Việt Nam, cứ 5-7 năm lại xảy ra một đợt bong bóng giá tài sản, giá bất động tăng gấp đôi, gấp ba, đây chính là lý do tăng trưởng cung tiền ở Việt Nam quá cao. Tuy nhiên nếu thắt chặt quá lại gặp những vấn đề như cuối năm ngoái. Vì vậy tôi khuyến nghị tăng trưởng cung tiền chỉ quanh mức 10% và đặc biệt phải kiểm soát tiền cơ sở", ông nói.
Đề cập đến những hạn chế trong việc mở rộng hơn chính sách tiền tệ nhằm kích cầu đầu tư tư nhân, PGS.TS Phạm Thế Anh cho hay hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP và cung tiền M2 trên GDP vẫn cao, lần lượt 1,25 và 1,5 lần vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, tốc độ giảm chậm nên có ít không gian để hạ lãi suất huy động. Ngoài ra, Việt Nam còn gặp giới hạn về lãi suất thực dương, đối mặt với những bất ổn về tỷ giá khi các nền kinh tế lớn vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Hơn nữa, chính sách kích thích bằng biện pháp tiền tệ sẽ ít hiệu quả đối với kích thích đầu tư của khu vực doanh nghiệp khi doanh nghiệp còn bi quan vào triển vọng nền kinh tế và khi sức cầu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp còn thấp. Thay vào đó, Việt Nam nên ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa như đẩy mạnh đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng hệ thống trường học công.
Cũng tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM Đồng tình với ý kiến của TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP rằng Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu.
"Dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít so với chính sách tài khóa phản chu kỳ và Việt Nam đang chậm trễ trong chính sách tài khoá phản chu kỳ để xử lý các vấn đề hiện nay", ông nói.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung cho rằng chính sách tiền tệ nên hướng đến ba nội dung. Thứ nhất là ổn định hệ thống ngân hàng, giải quyết vấn đề nợ xấu.
Thứ hai, suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn theo nguyên tắc thị trường, ngoại trừ các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, ngân hàng trung ương phải ổn định tỷ giá, để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định.