|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PetroVietnam từ Venezuela đến Peru

12:14 | 14/12/2017
Chia sẻ
Cho tới giờ vẫn chưa có một đánh giá toàn diện nào ở tầm vĩ mô về hiệu quả đầu tư của dự án trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ của tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) tại Venezuela. Tuy nhiên dự án ở Venezuela không phải là dự án đầu tư duy nhất của PetroVietnam ở nước ngoài có vấn đề.
petrovietnam tu venezuela den peru 'Luật ngầm' PetroVietnam
petrovietnam tu venezuela den peru OceanBank - ngân hàng sân sau của PetroVietnam

“Ngày 21-6-2012, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) - một trong những doanh nghiệp chủ lực của PetroVietnam - đã ký hợp đồng với Công ty Perenco Peru (Holding) Limited để mua 52,361% cổ phần của Perenco Peru Ltd (PPL - nay đổi tên thành PVEP Perenco Peru Ltd), một công ty được thành lập tại Bahamas, để sở hữu 50% quyền tham gia tại Hợp đồng dầu khí lô 67 Peru” - báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015, trang 46 của PetroVietnam cho biết. Cũng trang này chỉ ra chi phí tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí của Lô 67 Peru chưa phân bổ đến ngày 31-12-2015 là 11.441.035.851.615 đồng (làm tròn 11.441 tỉ đồng).

petrovietnam tu venezuela den peru
Cho đến cuối năm ngoái, PetroVietnam có dư nợ ngắn hạn 95.179 tỉ đồng, nợ dài hạn 94.689 tỉ đồng. Phần lớn nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Ảnh: THÀNH HOA

“Tập đoàn đang ghi nhận trên khoản mục “Chi phí trả trước dài hạn” các chi phí tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí chưa phân bổ của Lô 67 Peru tại ngày 31-12-2016 là 10.761 tỉ đồng (giảm 680 tỉ đồng so với cùng kỳ - NV). Theo thông báo của nhà điều hành Lô 67 Peru ngày 1-6-2016, dự án Lô 67 Peru đã tạm dừng khai thác vì điều kiện bất khả kháng kể từ ngày 18-5-2016. Đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này tập đoàn chưa xác định được chính xác thời gian khai thác trở lại của dự án Lô 67 Peru và đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan có thẩm quyền để xác định phương án xử lý vấn đề nêu trên”, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, trang 46 của PetroVietnam nêu rõ.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 được Tổng giám đốc PetroVietnam ký ngày 25-7-2017. Trong phần báo cáo kiểm toán độc lập do Công ty TNHH Deloitte Vietnam thực hiện đi kèm đề cùng ngày, ở trang 4, đề cập đến các khoản chi phí cho dự án Lô 67 Peru, Deloitte Vietnam cho biết: “Chúng tôi không thể thu thập được các bằng chứng thích hợp về khả năng thu hồi của các khoản chi phí trả trước dài hạn này tại ngày 31-12-2016”.

Như vậy cho đến tận cuối tháng 7-2017 PetroVietnam vẫn chưa thể xác định được ngày khai thác trở lại của dự án Lô 67 Peru. Khoản chi phí 10.761 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án này tiếp tục treo lơ lửng. Đó là khoản chi phí khổng lồ và quy mô của nó không hề kém cạnh chi phí mà tập đoàn đã bỏ vào dự án ở Venezuela. Ngoài ra, không biết lý do bất khả kháng mà phía Việt Nam phải tạm dừng khai thác cụ thể là gì?

Năm 2016, theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế của PetroVietnam đạt 16.626 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 30.695 tỉ đồng của năm 2015. Tổng hai khoản đầu tư vào Venezuela và Peru đã lớn hơn lợi nhuận ròng năm ngoái mà PetroVietnam làm ra.

Bên cạnh năm dự án thua lỗ trong nước của PetroVietnam như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, Nhà máy ethanol Dung Quất... các dự án đầu tư chưa thể đánh giá hiệu quả và cho đến nay, theo ý kiến của kiểm toán độc lập, chưa thu được bằng chứng về khả năng thu hồi các khoản đầu tư của tập đoàn ở Venezuela và Peru, đang ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh chung của tập đoàn. Lợi nhuận của PetroVietnam sẽ ra sao một khi tập đoàn phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các dự án có vấn đề cả trong và ngoài nước?

Cho đến cuối năm ngoái, cũng theo báo cáo tài chính 2016, PetroVietnam có dư nợ ngắn hạn 95.179 tỉ đồng, nợ dài hạn 94.689 tỉ đồng. Phần lớn nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Khác với các doanh nghiệp khác phải bươn chải tự vay vốn ngân hàng, PetroVietnam ngoài vay trong nước, còn được Bộ Tài chính bảo lãnh cho một số khoản vay nước ngoài.

Với sự ưu ái của Nhà nước như thế, PetroVietnam có nghĩa vụ và trách nhiệm sử dụng đồng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh một cách hiệu quả tối đa. Nhìn vào hai dự án đầu tư ở Venezuela và Peru, liệu dư luận cũng như cơ quan quản lý có thể yên tâm với phương thức sử dụng vốn và hiệu quả kinh doanh của một trong những “cánh chim đầu đàn” của kinh tế Việt Nam?

Hải Lý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.