PBoC lo ngại các đồng tiền kỹ thuật số gây rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu
Các đồng tiền ổn định được gắn với một giá trị cố định giống một đồng tiền được chính phủ đảm bảo như đồng USD. Một ví dụ điển hình là đồng Tether, đồng tiền đã gây ra những lo ngại trong Chính phủ Mỹ và đứng thứ ba về giá trị vốn hóa thị trường sau các đồng tiền kỹ thuật số phổ biến là bitcoin và ethereum.
Phó Thống đốc PBoC Fan Yifei nói các đồng tiền ổn định do một số tổ chức thương mại phát hành, đặc biệt là những đồng tiền được lưu hành toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro và những thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế cũng như hệ thống thanh toán. Ông cho biết, PBoC khá lo ngại về vấn đề này và đã tiến hành một số giải pháp.
Ngày 6/7, bộ phận phát triển doanh nghiệp của PBoC và các nhà chức trách thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu một doanh nghiệp của Trung Quốc phải đóng cửa do các cáo buộc doanh nghiệp này đã cung cấp các dịch vụ phần mềm cho việc giao dịch đồng tiền kỹ thuật số.
Động thái trên diễn ra sau kêu gọi trên cấp độ quốc gia vào cuối tháng 5 trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động đào và giao dịch bitcoin, khiến những người đào chuyển hướng hoạt động sang Mỹ và các nước khác.
Kể từ khi xuất hiện vào năm 2009, đồng bitcoin đã chứng kiến các đợt tăng giá, với lần gần đây nhất là khi đồng tiền này vượt trên mức 60.000 USD/BTC vào đầu năm nay. Bitcoin giao dịch ở mức gần 33.000 USD/BTC trong phiên 8/7.
Theo ông Fan Yifei, bản thân các đồng tiền kỹ thuật số đã trở thành những công cụ đầu cơ, tiềm ẩn những mối nguy đối với sự ổn định xã hội và an ninh tài chính.
PBoC đang phát triển phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ, với việc thử nghiệm đã được thực hiện ở một số thành phố của Trung Quốc trong năm ngoái.