|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Vũ Bằng: Vốn hóa cổ phiếu bằng 70% GDP, thậm chí có thể đạt 100% GDP

17:11 | 16/11/2016
Chia sẻ
Ông Vũ Bằng kỳ vọng với hệ thống cổ phần hóa, các doanh nghiệp niêm yết sàn, hàng hóa trên thị trường trong tương lai sẽ khá lớn. Tương lai, vốn hóa trái phiếu Chính phủ là 50 - 60%, thị trường cổ phiếu là 100% GDP. 

Tại buổi tọa đàm NDH Talk 2 với chủ đề “Thị trường chứng khoán 20 năm và bước chuyển của dòng vốn ngoại”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tin tưởng mục tiêu vốn hóa cổ phiếu bằng 70% GDP là đạt được, thậm chí 15 năm nữa vốn hóa cổ phiếu có thể đạt 100% GDP như các nước khác trên thế giới.

Có được sự tin tưởng này do ông Bằng tin tưởng bấy giờ, Việt Nam bắt đầu một hệ thống cổ phần hóa, các doanh nghiệp lớn thoái vốn và việc bắt buộc lên niêm yết trên sàn hiện nay đã thực hiện cưỡng chế bằng Nghị định 60, chế tài xử phạt cũng đã có… Từ đó, hàng hóa trên thị trường trong tương lai sẽ khá lớn. Tương lai, vốn hóa trái phiếu Chính phủ là 50 - 60%, thị trường cổ phiếu là 100% GDP.

Bên cạnh đó, thị trường phái sinh đã tương đối hoàn tất, hướng tới cả phái sinh vàng, lãi suất. Chưa kể thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm cơ cấu, tái cấu trúc nâng hạng thị trường trong thời gian tới, sửa luật để gỡ bỏ triệt để vướng mắc đầu tư nước ngoài.

Theo ông Bằng, khi thành lập thị trường, quy mô thị trường chứng khoán đặt ra lúc đó là 15% GDP nhưng khi họat động chỉ là 2 – 3%. Tuy nhiên đến năm 2006, con số này đạt 40% GDP. UBCKNN đã xây dựng chiến lược đến năm 2020 là vốn hóa cổ phiếu là 70% GDP.

Cũng nói về vấn đề này, ông Dominic, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng việc tăng quy mô thị trường là bắt buộc. Quốc hội dự kiến tăng trưởng 70% trong 5 năm tới nhưng Dragon Capital tin rằng có thể đạt tới 100%. Chính phủ Việt Nam đang tỏ ra quyết tâm trong việc giải quyết khu vực doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng cần sự giúp đỡ của các quỹ trong việc phát triển quỹ hưu trí để cân bằng phần cung.

Ngoài ra, so sánh về mặt bằng giá, Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Theo ông Dominic, các công ty cần có trách nhiệm, các nhà đầu tư cần biết bảo vệ mình và các cơ quan quản lý cần có thêm thẩm quyền. Các nhà đầu tư nước ngoài đang khá băn khoăn về vấn đề cơ quan quản lý tại Việt Nam và đó là lý do khiến họ còn ngập ngừng trong vấn đề đầu tư.

Về việc thoái vốn tại các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nói theo quy định vừa qua, các cơ quan chức năng đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN , đây là tiền đề quan trọng để chứng kiến nhiều hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán. Theo chủ trương, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn kể cả các doanh nghiệp đang làm ăn tốt.

Theo ông Lai, SCIC đang triển khai tích cực thoái vốn 10 doanh nghiệp quan trọng nhất như VNM, FPT, BMP, NTP... Hiện nay, SCIC đang tiến hành thoái vốn 9% tại VNM. Khi thoái vốn tại các doanh nghiệp này có ba yêu cầu đặt ra là tối ưu hóa giá trị Nhà nước thu về, doanh nghiệp sau thoái vốn hoạt động tốt và đảm bảo sự ổn định của thị trường. Sang năm tới SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại FPT, SGC, BMP, NTP… Ông Lai kỳ vọng trong thời gian sớm nhất sẽ có thêm nhiều hàng hóa từ Nhà nước cung cấp ra thị trường để nhà đầu tư lựa chọn.

Khổng Chiêm