Ông Trump nói không muốn gặp ông Kim trước bầu cử
Đài CNN ngày 10-2 cho biết Tổng thống Donald Trump đã nói với các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu rằng ông không muốn có một hội nghị thượng đỉnh nào với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.
Ông Trump và ông Kim từng gặp nhau 3 lần: tại Singapore tháng 6-2018, tại Hà Nội tháng 2-2019, tại làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều tháng 6-2019.
Sau cuộc gặp thứ hai cách đây đã hơn một năm không đạt được thỏa thuận về giải trừ hạt nhân, vấn đề ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên bế tắc.
Cuối năm ngoái, ông Trump từng bày tỏ sự thất vọng khi các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc đầu tiên giữa hai nước không thành công. Một quan chức mô tả rằng các cuộc đàm phán đã "chết". Chính phủ Mỹ cũng đã hoàn toàn ngừng cấp phép cho kế hoạch đặc biệt đến Triều Tiên.
Sau đó ông Trump tập trung vào chiến dịch tái tranh cử của mình, theo các nguồn tin nói với CNN.
Ông Trump để vấn đề Triều Tiên sang một bên
Những tháng gần đây, mối quan hệ Mỹ-Triều cũng nguội lạnh đi khi Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa. Một thành viên cấp cao của chính phủ Triều Tiên đã gọi ông Trump là “ông già lẩm cẩm” khi trước đó, ông Trump một lần nữa mô tả ông Kim là “người đàn ông tên lửa” dù ông Trump vẫn ca ngợi hai bên có "một mối quan hệ tốt".
Đài CNN dẫn lời những nhân vật trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump rằng Triều Tiên không còn là vấn đề quan trọng đối với vị tổng thống Mỹ nữa. Lý do, rủi ro trong thất bại ngoại giao cũng có thể tác động lớn đến những lợi ích của ông Trump trong cuộc bầu cử.
Rõ nhất là trong Thông điệp liên bang tuần trước, ông Trump đã không đề cập điều gì liên quan đến Triều Tiên. Ngược lại, trong Thông điệp liên bang năm ngoái, ông thông báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội. Còn khi phát biểu Thông điệp liên bang năm 2018, ông còn mời một người Triều Tiên ly khai là khách mời.
Triều Tiên cũng không bận tâm đàm phán với Mỹ
Ngược lại, Triều Tiên cũng không quan tâm đến việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán nếu Mỹ không giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, vị quan chức Mỹ này nói.
Cụ thể, trong bài phát biểu mừng năm mới, lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên sẽ "không bao giờ" phi hạt nhân hóa nếu Mỹ không rút các "chính sách thù địch" đã và đang áp lên Bình Nhưỡng.
Tháng 1-2020, cố vấn hàng đầu nhà lãnh đạo Kim - ông Kim Kye Gwan khẳng định Bình Nhưỡng cũng không có ý định tham gia vào các cuộc đàm phán trong năm nay. Ông Kim Kye Gwan nói rằng Bình Nhưỡng đã "bị Mỹ lừa dối" và chính Mỹ đã lãng phí 18 tháng qua bởi quá ít tiến bộ về phi hạt nhân hóa.
Phía Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa có bình luận gì về tuyên bố của ông Kim Kye Gwan, theo CNN.
Vẫn hy vọng đàm phán
Bất chấp sự không quan tâm của Tổng thống Trump, các quan chức Mỹ khác vẫn tiếp tục công khai bày tỏ rằng vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.
"Hy vọng của tôi là Triều Tiên sẽ trở lại bàn đàm phán" - cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien nói tại một sự kiện ở Washington hồi tuần trước, theo CNN.
Khi được hỏi liệu đàm phán sẽ đến trước hay sau bầu cử tổng thống, ông O'Brien nói rằng không có bất kỳ sự liên hệ thời gian chính trị (tức lịch trình bầu cử) với chính sách của Tổng thống Trump về Triều Tiên.
"Cứ để mọi việc xảy ra. Tổng thống biết sẽ làm những gì phù hợp với người dân Mỹ cho dù đó là phổ biến, không phổ biến, rủi ro hay mạo hiểm cho đến ngày bầu cử" - ông O'Brien nói.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun vẫn cam kết đàm phán ở cấp độ làm việc và sẽ duy trì các nội dung đàm phán khi ông vẫn còn giữ chức thứ trưởng Ngoại giao.
"Ông Biegun không ngừng cố gắng để nối lại các cuộc đàm phán" - một nhân vật thân tín với chính phủ Mỹ nói. Tuy nhiên, vị quan chức này nói rằng ông Biegun đã không mấy thành công trong các chuyến đi gần đây đến khu vực Triều Tiên.
Trong khi đàm phán ngoại giao đứng yên thì Triều Tiên đã giảm các vụ thử tên lửa, nhưng vẫn tập trung vào chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng vẫn đang "chế tạo tên lửa mới, khả năng mới, vũ khí mới nhanh như bất kỳ ai trên hành tinh này" - tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết hồi tháng trước.
Theo CNN, các thành viên của Quốc hội, trong đó có nhiều thành viên đảng Cộng hòa, lo ngại về việc Nhà Trắng không chia sẻ chi tiết về chính sách tiếp cận với Triều Tiên. Quốc hội yêu cầu các báo cáo về các cuộc đàm phán với Triều Tiên nhưng Nhà Trắng vẫn đang phớt lờ, khiến Quốc hội lo ngại về việc thiếu kiểm soát từ một trong ba nhánh quyền lực của Mỹ.