Ông Phạm Trung Cang trở lại thế nào sau 'biến cố' bầu Kiên?
Năm 2012 có thể coi là một năm chấn động đối với giới kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là với ngành ngân hàng khi vụ án bầu Kiên kéo theo hàng loạt lãnh đạo ACB vướng vòng lao lý. Non 7 năm trôi qua, một số nhân vật đã quay trở lại, tiếp tục con đường kinh doanh của mình.
Trong số đó có ông Phạm Trung Cang (sinh năm 1954), một trong những thành viên thuộc Hội đồng sáng lập ACB, từng giữ chức Phó Chủ tịch Eximbank và nguyên là Chủ tịch HĐQT Nhựa Tân Đại Hưng. Tuy là một doanh nhân tầm cỡ, song ông Phạm Trung Cang lại vô cùng kín tiếng.
Trở lại với công việc sau khi mãn hạn tù, ông Phạm Trung Cang lập tức trở lại với doanh nghiệp gắn với tên tuổi các thành viên trong gia đình ông: Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng.
Trong 3 năm vắng bóng ông Phạm Trung Cang đang chấp hành án tù vì hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Phạm Đỗ Diễm Hương đã thay cha quản lý công ty khi chỉ mới 24 tuổi với cả hai chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Đến ngày 25/1/2019, thì bà Phạm Đỗ Diễm Hương đã có đơn xin thôi kiêm nhiệm Tổng giám đốc gửi Hội đồng quản trị và vị trí này lại được giao cho ông Phạm Trung Cang. Theo đó, ông Cang cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ là Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty này.
Song bất ngờ, mới đây HĐQC Nhựa Tân Đại Hưng lại tiếp tục nhận được đơn từ nhiệm Tổng giám đốc từ ông Phạm Trung Cang cũng vì "lý do cá nhân" sau chưa đầy 2 tháng nhận nhiệm vụ.
Người ngồi vào "chiếc ghế" là ông Phạm Văn Mẹo, Thành viên HĐQT công ty. Ông Phạm Văn Mẹo chính là em trai của ông Phạm Trung Cang, người đã gắn bó với Tân Đại Hưng từ những ngày đầu với chức vụ Phó Tổng giám đốc công ty. Tuy vậy, ông Mẹo chỉ sở hữu 0,16% cổ phần Tân Đại Hưng.
Tại Tân Đại Hưng, ông Phạm Trung Cang đang sở hữu 15,15% cổ phần công ty trong khi vợ ông là bà Đỗ Thị Quế Thanh sở hữu 4,51% cổ phần, hai con gái Phạm Đỗ Diễm Hương và Phạm Đỗ Quế Hương sở hữu lần lượt 4,22% và 3,39% cổ phần.
Vào ngày 26/4 tới đây, Nhựa Tân Đại Hưng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019. Bên cạnh nội dung thay đổi nhân sự, HĐQT công ty này cũng sẽ trình thông qua mức chia cổ tức năm 2018 theo tỷ lệ 12% bằng tiền mặ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TPC của Nhựa Tân Đại Hưng đang có giá 11.650 đồng tuy nhiên hầu như không có thanh khoản.
Mặc dù trong năm 2018, công ty này có doanh thu giảm nhẹ so với 2017 song nhờ giá vốn giảm cùng mức tăng mạnh của chỉ tiêu thu nhập khác nên Nhựa Tân Đại Hưng vẫn lãi 37,9 tỷ đồng, cao hơn 2017. Kết quả này của Nhựa Tân Đại Hưng mức dù có tiến triển nhưng vẫn chưa đạt được "phong độ" trước năm 2012. Doanh nghiệp này từng có lãi gần 46 tỷ đồng trong năm 2011 và hơn 40 tỷ đồng năm 2010…
Tính đến 31/12/2018, Nhựa Tân Đại Hưng có tổng tài sản đạt 662,4 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với đầu năm; tổng nợ phải trả là 334,6 tỷ đồng và toàn bộ đều là nợ ngắn hạn. Riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này đã lên tới 257 tỷ đồng.