Ông Phạm Nhật Vượng lái chiếc xe long sòng sọc và chuyện ra đời của VF 3
Ngày 7/7, tại triển lãm xe do VinFast tổ chức ở Hà Nội, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu giới thiệu nhiều mẫu xe điện tới công chúng như VF 6, VF 7. Tuy nhiên, những mẫu xe này phải nhường sức nóng cho một chiếc xe khác, cũng do VinFast sản xuất, có cái tên khiêm tốn: VF 3.
Khi tấm vải che VF 3 được từ từ kéo ra, mọi người có mặt trong hội trường tại Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô gần như đã đứng lên, smartphone sẵn sàng trong trạng thái quay video: VF 3 chính là ngôi sao trong triển lãm lần này của VinFast.
Thực tế, sau 66 giờ mở bán, VF 3 đã đạt được số đơn đặt hàng trước kỷ lục với gần 28.000 chiếc. “VF 3 có thể trở thành mẫu ô tô điện quốc dân dành cho tất cả mọi người”, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc VinFast thị trường Việt Nam nói trong lễ giao xe đầu tháng 8.
Tại Việt Nam, VF 3 tiếp cận được phần đông khách hàng nhờ mức giá được đánh giá khá phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Đối với thuê pin, xe có giá 240 triệu đồng, trong khi giá bán kèm pin là 322 triệu đồng. Đây gần như là mẫu xe miniSUV có mức giá cạnh tranh nhất thị trường.
VF 3 được coi là phép thử dành cho VinFast để bán VF 3 tại các thị trường tương tự Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Đồng thời, VF 3 cũng là nhân tố quan trọng giúp VinFast hoàn thành mục tiêu doanh số 80.000 xe trong năm nay.
Thành công với VF 3 như vậy nhưng ít người biết tới hành trình dẫn tới sự ra đời của mẫu xe này. Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, bà Teresa Do - từng là Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của VinFast, đã hé lộ câu chuyện về sự ra đời của VF 3.
Năm 2017, trợ lý của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng gọi cho bà hỏi về chiếc xe giá hơn 200 triệu đồng của Chevrolet. Bà đáp có mẫu xe Spark Van và được yêu cầu chạy chiếc xe này vào cho vị Chủ tịch xem.
Đây là một mẫu xe số sàn, đời cũ, “bé xíu, tuyềnh toàng, long sòng sọc”. Ông Phạm Nhật Vượng khi nhận được xe đã ngồi vào ghế lái và lái xe tầm 20 phút. Khi về đến nơi, ông gật gù: “Được! VinFast sẽ nghiên cứu làm một cái xe nhỏ như này nhưng phải 4 ghế đầy đủ và số tự động cho chị em đi chợ và đưa đón con đi học. Giá rẻ thôi, trên dưới 200 triệu thôi thì dân mới dễ mua. Nhưng mà phải đẹp”.
Và yêu cầu ngày ấy của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã trở thành sự thật khi hàng nghìn chiếc VF 3 đang lăn bánh trên đường. Đồng thời, VF 3 đã góp phần đưa VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong tháng 9 vừa qua, với hơn 9.300 xe được giao.
Theo bà Teresa Do, để có được doanh số bán hàng “khủng” như vậy phía sau là yêu cầu về KPI khắt khe của VinFast. Bà kể năm 2017, khi trình ý tưởng xây dựng mạng lưới phân phối cho VinFast, bà muốn hãng xe chuyên sản xuất và để việc bán xe cho các đại lý như cách truyền thống. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng đã bác bỏ phương án này.
Ông nói sau này người Việt mình mua VinFast đơn giản lắm. Mạng lưới dịch vụ quy hoạch riêng. Điểm bán thì phải rất tiện. VinFast sẽ là sản phẩm mà người người Việt Nam dùng, nhà nhà Việt Nam muốn dùng. Chờ xây đc hệ thống đại lý như thế thì bao giờ dân mới tiện?
Do đó, vị tỷ phú chỉ đạo sử dụng ngay mạng lưới trung tâm thương mại Vincom đã trải dài toàn quốc. Và lần đầu tiên thị trường có việc showroom bán xe oto là các điểm tại trung tâm thương mại.
Nhờ chiến lược này, mạng lưới điểm bán VinFast ngay lập tức vượt qua hầu hết các đối thủ trên thị trường. Thời điểm đó, Toyota và Hyundai là hai thương hiệu chiếm lĩnh thị trường. Nhân viên kinh doanh Toyota được cho là có hiệu suất bán hàng cao nhất khoảng 5 xe/tháng.
Trong khi đó, ban lãnh đạo VinFast yêu cầu nhân viên kinh doanh của họ phải bán 15-20 xe/tháng. Doanh số phải 50.000 xe/năm và năm sau phải tăng lên 100.000 xe/năm.
Sau đó thì một loạt các kiểu bán hàng chưa từng có trên thị trường xuất hiện ở VinFast. Những con số bán hàng lập kỷ lục liên tục xuất hiện. VinFast làm điên đảo thị trường với các chiêu thức bán hàng quyết liệt và thành công như vũ bão”, bà Teresa Do viết.