|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nhậm Chính Phi: Phản đối đầu tiên nếu TQ trừng phạt Apple!

15:02 | 27/05/2019
Chia sẻ
Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc vừa đề xuất một danh sách biện pháp an ninh mạng, có thể phong tỏa công nghệ của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.
Ông Nhậm Chính Phi: Phản đối đầu tiên nếu TQ trừng phạt Apple! - Ảnh 1.

Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei sẽ là “nơi đầu tiên phản đối” nếu chính phủ Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách trừng phạt tập đoàn công nghệ máy tính, thiết bị di động Apple của Mỹ. Đây là lời khẳng định của nhà sáng lập Huawei, tỉ phú Nhậm Chính Phi trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg công bố ngày 26-5.

“Trước hết là điều đó sẽ không xảy ra. Thứ hai, nếu nó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Apple là công ty hàng đầu thế giới. Nếu không có Apple, sẽ không có internet di động. Nếu không có Apple giúp đưa chúng tôi ra thế giới, chúng tôi sẽ không thấy được vẻ đẹp của thế giới này. Apple là người thầy của tôi. Nó tiến triển trước mặt chúng tôi. Là một học trò, tại sao tôi lại phản đối người thầy của mình? Tôi sẽ không bao giờ làm thế”, ông Nhậm nói với Bloomberg khi được hỏi liệu ông có trả đũa Mỹ bằng cách nhắm vào Apple như “lời kêu gọi của một số người ở Trung Quốc” hay không.

Thị phần Apple tại Trung Quốc giảm mạnh

Theo tờ Business Insider, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Thụy Sĩ UBS thông báo đến các khách hàng thông tin cảnh báo rằng hoạt động của Apple ở Trung Quốc có thể bị đe dọa vì cảm xúc dân tộc của người dân nước này, trong bối cảnh Huawei bị Mỹ trừng phạt và cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn rất căng thẳng.

“Thời gian này, hàng hóa tiêu dùng nước ngoài chịu ảnh hưởng tiêu cực ở Trung Quốc vì cảm xúc dân tộc. Đây có thể là một yếu tố đưa đến sự hoạt động kém hiệu quả của điện thoại iPhone của Apple ở Trung Quốc… Dù khó xác định số lượng nhưng chúng tôi xem đây là rủi ro với Apple và chuỗi cung cấp sản phẩm”, theo thông báo của ngân hàng UBS.

Ông Nhậm Chính Phi: Phản đối đầu tiên nếu TQ trừng phạt Apple! - Ảnh 2.

Một cửa hàng của Apple ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Theo báo South China Morning Post, thị phần của Apple ở thị trường Trung Quốc đã giảm từ 9,1% xuống còn 7% trong quý đầu năm 2019, trong khi đó thị phần của Huawei tăng thêm 3%. Dù không thể nói diễn biến tăng giảm này là vì các bước đi của Mỹ với Huawei và vì cả nền kinh tế Trung Quốc nói chung, South China Morning Post vẫn cho rằng điều này chắc chắn có tác động đến suy nghĩ, sở thích của những người sử dụng.

Hồi tháng 1, Huawei trừng phạt một số nhân viên sử dụng iPhone - điện thoại di động của Apple, theo thông tin từ hãng Sputnik. Trong một biên bản nội bộ do truyền thông Trung Quốc công bố, Huawei thông báo những nhân viên này bị giáng chức và cắt giảm lương tới cả 730 USD.

Chưa hết, theo thông tin từ báo South China Morning Post, Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc vừa đề xuất một danh sách biện pháp an ninh mạng. Nếu đề xuất này được thông qua thành luật thì các nhà điều hành cơ sở hạ tầng thông tin Trung Quốc phải “đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” khi mua các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài.

Cơ quan quản lý internet Trung Quốc sẽ công khai dự thảo này lên mạng từ ngày 24-6 để nhận ý kiến đóng góp. Theo nhà phân tích Nick Marro của công ty Đơn vị Tình báo Kinh tế (Anh) chuyên dự báo và tư vấn kinh tế, luật này sẽ cho phép Trung Quốc phong tỏa công nghệ của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.

Có liên quan việc Mỹ trừng phạt Huawei

Làn sóng phản đối Apple tại Trung Quốc dần xuất hiện rõ từ sau vụ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu (con gái ông Nhậm Chính Phi) bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran. Trung Quốc lên án bước đi của Mỹ và đề nghị Canada ngay lập tức thả bà Mạnh. Trước áp lực của Trung Quốc, Canada vẫn chọn đứng về phía Mỹ, và hiện bà Mạnh đang chờ Canada quyết định dẫn độ sang Mỹ, thể theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước.

Làn sóng này đặc biệt mạnh thêm những ngày gần đây sau khi Mỹ có một số bước đi nhắm vào Huawei. Ngày 17-5 Bộ Tài chính Mỹ liệt Huawei và khoảng 70 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei một khi chưa được chính phủ cho phép. Sau quyết định này nhiều công ty Mỹ (Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom) quyết định ngưng hợp tác một phần với Huawei.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng sản phẩm từ các công ty có nguy cơ gây hại đến an ninh quốc gia. Sắc lệnh không đề cập tên cụ thể công ty nào nhưng theo các nhà phân tích thì sắc lệnh này nhằm phong tỏa Huawei bán hàng ở Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giữa tuần rồi cáo buộc Huawei không chỉ có liên hệ với chính phủ mà cả với đảng cầm quyền tại Trung Quốc, và điều này đe dọa đến bí mật thông tin của Mỹ thông qua các thiết bị viễn thông của Huawei.

Ông Nhậm Chính Phi: Phản đối đầu tiên nếu TQ trừng phạt Apple! - Ảnh 3.

Gian hàng của Huawei tại một sự kiện triển lãm ở Barcelonia (Tây Ban Nha) năm 2017. Ảnh: REUTERS

Theo lời ông Pompeo thì tới đây sẽ còn có thêm nhiều công ty nữa trên toàn cầu cắt quan hệ với Huawei. Phát biểu của ông Pompeo không phải không có căn cứ. Huawei bị không chỉ Mỹ mà cả một số nước cáo buộc là nhận tài trợ từ chính phủ Trung Quốc và đồng ý để chính phủ nước này do thám các nước thông qua thiết bị của mình. Năm ngoái, ngoài Mỹ, cả Úc, Nhật, New Zealand cũng đã cấm Huawei tham gia vào các hợp đồng chính phủ vì lo ngại an ninh.

Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc lời ông Pompeo nhằm kích động sự đối kháng về ý thức hệ đối với Huawei. 

Đăng Khoa

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.