'Ông lớn’ SCTV bị Điện lực Ninh Bình cắt cáp: Thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm, chiếm thị phần số 1 truyền hình trả tiền
Tối 16/2, chia sẻ trên Người lao động, ông Trần Đăng Sơn - Giám đốc công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, nói đơn vị này đã khôi phục lại hai điểm nút cáp SCTV ở vị trí cột điện do họ quản lý.
Còn theo VTV, đối tác của SCTV, cho hay ngày 16/2, Điện lực Ninh Bình đã cắt cáp của SCTV, làm mất tín hiệu của 5 điểm kết nối tại TP Ninh Bình và 10 điểm tại Kim Sơn, ảnh hưởng 1.500 khách hàng.
Sau đó, phía điện lực tiếp tục cắt tuyến trục Ninh Bình đi Hà Nam, mất tín hiệu 100 khách hàng, mất tuyến trục đang cho MobiFone thuê.
Phía điện lực cho rằng năm 2024, SCTV ký hợp đồng thuê hệ thống cột điện để treo cáp viễn thông. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, phía SCTV không trả tiền. “Trước thời điểm cắt, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi sang SCTV để thông báo rằng nếu không toán đến thời điểm quy định thì phải tháo hộp cáp ra khỏi cột điện. Song họ không phản hồi”, ông Sơn nói với Người lao động.

SCTV đang sở hữu 600 kênh truyền hình tại Việt Nam. (Ảnh: SCTV).
SCTV được coi là một “ông lớn” trong ngành truyền hình khi được thành lập từ năm 1992 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trên cơ sở liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Tới năm 2010, SCTV chuyển đổi thành công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV Co., Ltd) theo quyết định của Chủ tịch UBND TP HCM.
Hiện Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của SCTV là ông Trương Chí Bình, sinh năm 1981. Ông còn là đại diện pháp luật SCJ TV Shopping - một trong những công ty mua sắm tại nhà qua truyền hình đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.
SCJ được thành lập vào năm 2011, là liên doanh giữa SCTV và CJ ENM (Hàn Quốc). Từ tháng 6/2020, SCJ chuyển đổi cơ cấu nhà đầu tư với 100% sở hữu thuộc SCTV.
Năm 2023, SCTV có vốn điều lệ 626,7 tỷ đồng. Trong đó, VTV và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV là hai cổ đông, mỗi bên góp 50% vốn.
Với chức năng thiết kế, thi công, lắp đặt hạ tầng mạng truyền hình cáp hai chiều, băng thông rộng, cung cấp đa dịch vụ, SCTV là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng Truyền thông - Viễn thông trong toàn lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2022, theo thông tin tự giới thiệu, SCTV cho biết có thị phần đứng đầu trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam, phủ sóng 53/63 tỉnh, thành.
Tính đến thời điểm hiện tại, SCTV đã cung cấp được hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, trong đó có 60 kênh chuẩn HD. Ngoài ra, SCTV còn cung cấp dịch vụ internet với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Năm 2023, SCTV đạt doanh thu hơn 2.022 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 27 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 291,3 tỷ đồng.
Còn theo Vietdata, SCTV liên tục chứng kiến sự sụt giảm doanh thu trong những năm gần đây. Năm 2020, công ty này đạt hơn 2.500 tỷ đồng doanh thu nhưng đã giảm xuống hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2022, tương ứng mức giảm 20%. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm, đạt gần 79 tỷ đồng năm 2022, giảm 40% so với năm 2020.

Thực tế trong những năm qua, truyền hình trả tiền - lĩnh vực mà SCTV dẫn đầu, tại Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn. Tính đến tháng 10/2023, số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam đang có 35 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền với tổng cộng 191 kênh trong nước và 45 kênh nước ngoài.
Các đơn vị có thị phần lớn ở Việt Nam gồmVTVCab, SCTV, VTC, VNPT Media (đơn vị sở hữu MyTV) và VSTV (vận hành K+).
Tuy nhiên, không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành, những công ty này còn đánh mất khách hàng vào tay các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới qua mạng internet (OTT TV) như Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…
Thời gian tới, SCTV cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư và sản xuất các chương trình truyền hình đáp ứng thị hiếu của tất cả đối tượng khán giả trên đa nền tảng; Đẩy mạnh sản xuất các chương trình gameshow, các nội dung chuyên biệt. Đồng thời xây dựng các phim trường phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ truyền hình, công nghệ AI vào hoạt động sản xuất.