|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Ông lớn' cao su tiếp tục lỡ hẹn IPO

07:10 | 13/09/2017
Chia sẻ
Mặc dù đã lùi tiến độ cổ phần hóa và bán lần đầu ra công chúng (IPO) tới quý IV/2017, song xem ra đến hết năm 2017 chưa chắc việc cổ phần hóa tại tập đoàn này sẽ diễn ra theo đúng lộ trình.
ong lon cao su tiep tuc lo hen ipo
Quỹ đất của VRG lớn lại phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau trong cả nước

Đã cam kết trước Thủ tướng nhưng không đạt

Việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) với 20 Cty TNHH MTV và 4 đơn vị sự nghiệp được triển khai theo Văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Cty nông nghiệp của Tập đoàn.

Theo lộ trình, phương án CPH của VRG được phê duyệt trong thời gian từ quý IV/2016 đến quý I/2017, tổ chức thực hiện phương án CPH vào quý I/2017. Nhưng do vướng mắc nhiều vấn đề nên giữa tháng 2/2017, tại hội nghị triển khai kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước năm 2017, mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra sẽ hoàn thành CPH, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) VRG trong quý III/2017. Tuy nhiên, thông tin mới nhất được lãnh đạo Bộ NN&PTNT xác nhận là IPO của VRG đã không diễn ra theo đúng kế hoạch mà đã được tiếp tục cho lùi sang quý IV/2017.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Đúng là tôi đã cam kết trước Thủ tướng và các Phó Thủ tướng là sẽ cố gắng IPO VRG trong tháng 7/2017 nhưng đến này đã không đạt được mục tiêu đề ra”.

Việc lùi thời gian IPO của Tập đoàn này, theo giải thích của Thứ trưởng Tuấn là nhằm rà soát kỹ lưỡng để xử lý vấn đề quỹ đất lớn phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau có liên quan đến an ninh, quốc phòng; đồng thời có thời gian để kiểm toán đảm bảo bảo toàn được vốn nhà nước khi CPH ở DN này.

Làm cẩn thận nhưng kế hoạch phải đảm bảo

Theo Bộ NN&PTNT, cụ thể, VRG là đơn vị quản lý nhiều đất đai - lên tới hơn 244.000 ha, trong đó trên 239.300 ha là đất nông nghiệp, hơn 5.300 ha là đất phi nông nghiệp. Đáng chú ý là, VRG không chỉ quản lý nhiều diện tích cao su trong nước mà còn có cả ở nước ngoài (Lào, Campuchia).

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, chủ trương của Trung ương và Chính phủ là tất cả DN có vốn lớn khi CPH phải được kiểm toán nhà nước cho nên việc kiểm toán vẫn có nội dung phải kéo dài ra để đảm bảo bảo toàn được vốn nhà nước tốt nhất. Ngoài ra, tất cả những DN khi CPH, khi bán DN mà có tài sản đất lớn thì đều phải rà soát rất chặt chẽ.

Được biết, trong tháng 7, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin được lùi kế hoạch IPO của VRG sang quý IV và đã được Chính phủ cho phép. “Sau khi rà soát xong, Bộ sẽ trình phương án CPH VRG để Chính phủ phê duyệt trong tháng 9 và sẽ IPO DN này trong năm nay. Việc cẩn thận thêm một tý, lấy ý kiến các bộ ngành mất thời gian một tẹo cũng là cần thiết nhưng kế hoạch cả năm vẫn phải đảm bảo”- Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PLVN, dù có khó khăn về giá cả cao su, nhưng sản xuất kinh doanh của VRG vẫn ổn định, năm 2016 lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ nhiều hoạt động kinh doanh như: kinh doanh gỗ và mủ cao su, kinh doanh các khu công nghiệp, lãi từ công nghiệp chế biến sản phẩm sau cao su. Trước diễn biến biến của thị trường ngành hàng này, nhiều chuyên gia đánh giá: Nếu IPO VRG thành công, có thể trước mắt, cổ phiếu của cao su chưa thực sự hấp dẫn, nhưng về lâu dài đây vẫn là một cổ phiếu có tiềm năng lớn, bởi dự báo giá cao su sẽ tăng trong những năm tới.

Ngoài giải quyết các vướng mắc để thực hiện CPH VRG, để tiếp tục thực hiện chủ trương và phương án sắp xếp, đổi mới DN nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong 8 tháng qua, Bộ NN&PTNT cũng đã hoàn thiện xác định giá trị DN của Tổng Cty Lương thực miền Nam, quyết toán vốn nhà nước lần 2 (8 DN). Như vậy, đến nay, Bộ này đã CPH thành công 12 Tổng công ty, Cty trực thuộc Bộ và 3 DN khoa học công nghệ thuộc Viện, Trường.

Thận trọng để không mất vốn nhà nước

“Sau khi rà soát xong, Bộ sẽ trình phương án CPH VRG để Chính phủ phê duyệt trong tháng 9 và sẽ IPO doanh nghiệp này trong năm nay. Việc cẩn thận thêm một tý, lấy ý kiến các bộ, ngành mất thời gian một tẹo cũng là cần thiết nhưng kế hoạch cả năm vẫn phải đảm bảo”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Phi Hùng