|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Lã Giang Trung dự báo thị trường sẽ khó hơn nhưng vẫn trong xu hướng đi lên, kỳ vọng vào hai nhóm cổ phiếu

20:32 | 11/04/2024
Chia sẻ
Vị chuyên gia cho biết hiện thị trường đã đi qua giai đoạn định giá cổ phiếu từ mức rất thấp về mức bình thường, từ đây trở lên sẽ không còn mạnh mẽ và khó khăn hơn, tuy nhiên vẫn ở trong xu hướng đi lên.

Vĩ mô đã tạo đáy và đang tốt dần lên

Trong chương trình Gõ cửa tháng mới diễn ra chiều ngày 11/4, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, SSI Research và ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, đã có những đánh giá về xu hướng chính của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Nhận định về tình hình vĩ mô hiện tại, ông Lã Giang Trung cho biết giai đoạn xấu nhất của vĩ mô đã nằm ở cuối năm 2022, tình hình hiện đã được cải thiện theo hướng tích cực hơn cho nền kinh tế, tuy nhiên ở mức độ chậm.

Vị chuyên gia cho biết một chu kỳ kinh tế thường kéo dài bình quân 7 - 8 năm. Ở Việt Nam, chu kỳ kinh tế thường gắn chặt với chu kỳ bất động sản. Ở chu kỳ trước, bất động sản tạo đáy vào năm 2012, tạo đỉnh và điều chỉnh vào năm 2022 -  thời điểm kinh tế vĩ mô rất xấu.

"Hiện chúng ta đang bắt đầu một chu kỳ mới của vĩ mô, dù chưa quá tốt nhưng đang tốt dần theo thời gian", chuyên gia Passion Investment chia sẻ.

Bà Hoàng Việt Phương và ông Lã Giang Trung chia sẻ trong chương trình. (Ảnh chụp màn hình).

Đối với thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ là chính sách quan trọng nhất. Các tài sản rủi ro muốn đi lên cần có dòng tiền, khi có dòng tiền lớn tự nhiên các tài sản rủi ro sẽ đi lên, ngược lại khi dòng tiền rút đi tài sản rủi ro sẽ đi xuống.

Hiện chính sách tiền tệ Việt Nam đang nới lỏng, chính sách tài khóa cũng đang hỗ trợ cho nền kinh tế. Nhìn vào một chu kỳ dài, có thể thấy rõ ràng từ cuối năm 2022 (khi chính sách tiền tệ, tài khóa đã hỗ trợ trở lại), thị trường đã đi lên từ đáy (dưới 900 điểm) và bắt đầu một chu kỳ mới.

Thị trường sẽ tăng rất mạnh ở giai đoạn đầu tiên khi chính sách tiền tệ nới lỏng, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, chính sách tiền tệ sẽ bớt nới lỏng. Tuy nhiên, để tiến tới ngưỡng mang tính thắt chặt còn rất lâu. Do đó, hiện các chính sách vẫn đang là hỗ trợ cho thị trường.

Vị chuyên gia đưa ra ba giai đoạn của thị trường, giai đoạn định giá tài sản từ mức rất thấp được đưa về mức trung bình (giai đoạn cổ phiếu tăng nhanh nhất), tiếp theo là từ mức trung bình đi lên do hoạt động kinh doanh cải thiện (giai đoạn cần thời gian), giai đoạn mức định giá bùng nổ (giai đoạn cuối của chu kỳ).

Ông Lã Giang Trung cho rằng hiện thị trường đã đi qua giai đoạn định giá cổ phiếu từ mức rất thấp về mức bình thường, từ đây trở lên sẽ không còn mạnh mẽ và khó khăn hơn, tuy nhiên vẫn ở trong xu hướng đi lên.

"Ở giai đoạn nới lỏng tiền tệ đầu tiên, khi thị trường chứng khoán ở mức rất thấp, tất cả các cổ phiếu đều sẽ có bước nhảy vọt lớn, giai đoạn này đã đi qua gần hết. Cụ thể, khi tiền tệ được nới lỏng đầu tiên ở cuối năm 2022, những nhóm như chứng khoán và bất động sản đã tăng rất mạnh, và vừa rồi tới lượt ngân hàng - gần như là nhóm ngành tăng cuối", ông Lã Giang Trung cho biết.

Tiềm năng ngành bất động sản và ngân hàng

Năm 2022, thị trường bất động sản có sự đổ vỡ, thay đổi về cấu trúc thị trường, về tỷ lệ đòn bẩy, chuyển giao tài sản từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn. Lãi suất thấp, thị trường tạo đáy và đi lên. Những phân khúc đi lên đầu tiên là phân khúc có nhu cầu cao, đó là nhu cầu mua để ở như chung cư, đất nền gần nội đô,...Tuy nhiên phân khúc này lượng cung ít, chênh lệch cung cầu khiến giá bất động sản mua để ở tăng nhanh. Với phân khúc mua để đầu tư cần nhiều thời gian để phục hồi.

"Giai đoạn hiện tại rất giống giai đoạn 2014 – 2015, những phân khúc để ở thì có tăng, những phân khúc khác phải từ từ. Doanh nghiệp nào có sản phẩm có thể ở luôn sẽ có lợi, còn sản phẩm nghỉ dưỡng phải đợi", ông Lã Giang Trung chia sẻ.

Đánh giá về ngành ngân hàng, vị chuyên gia cho biết giai đoạn đầu tiên giá cổ phiếu tăng không liên quan đến lợi nhuận, các ngành khác đã đi qua pha này và hiện đang ở pha doanh nghiệp phải cải thiện lợi nhuận giá cổ phiếu mới tiếp tục tăng. Với ngân hàng, cuối năm ngoái và đầu năm nay đang có pha đưa về mức định giá hợp lý.

Lợi nhuận ngân hàng chưa cải thiện nhưng quý III - IV/2023 là thời điểm nợ xấu thực tế cao nhất. Từ thời điểm đó tới nay, nợ xấu thực tế đang giảm dần (sản phẩm ngân hàng cho vay cầm cố nhiều nhất là bất động sản đã tăng giá, lãi suất nền rất thấp, một số ngành như xuất khẩu, sản xuất, ngành liên quan bất động sản đã bắt đầu tăng trưởng trở lại,...).

"Trong năm nay, ngân hàng là nhóm cuối cùng tăng về mức định giá hợp lý, đó là bước nhảy giá rất lớn khiến ngân hàng khả quan hơn các nhóm ngành khác, sau khi qua giai đoạn này cần phải tiếp tục chờ đợi chờ", ông Lã Giang Trung cho biết.

Diệu Nhi