Ông Kim tới Bắc Kinh làm gì?
Đoàn xe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên đường phố Bắc Kinh ngày 8/1 Ảnh: CNN |
Ông Kim đến Trung Quốc bằng tàu hỏa chiều thứ Hai, có vợ là bà Ri Sol Ju cùng một số quan chức cấp cao tháp tùng, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA. Tân Hoa Xã cũng xác nhận thông tin này và nói chuyến thăm của ông Kim diễn ra từ thứ Hai đến thứ Năm, nhưng không nói mục đích chuyến đi của ông Kim.
Ông Kim đã tới Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, ba lần để gặp chủ tịch Tập chỉ trong năm 2018 trước và sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Cả KCNA lẫn Tân Hoa Xã đều không cung cấp thêm chi tiết về lịch trình của ông Kim.Tuần trước, nhân dịp năm mới, ông Kim đọc diễn văn nói đã sẵn sàng gặp ông Trump lần nữa vào bất cứ thời gian nào nhằm đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng cảnh báo ông có thể có lối đi khác nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được tiếp tục.
Trung Quốc là nước hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Triều Tiên, cho dù Bắc Kinh nhiều lần bực mình về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước láng giềng. Quan hệ song phương nồng ấm trở lại trong năm ngoái khi Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ cả với Hàn Quốc lẫn Mỹ.
Harry J. Kazianis, nhà phân tích của Trung tâm Lợi ích quốc gia có trụ sở ở Mỹ, nói các nhà quan sát “không cần phải ngạc nhiên khi ông Kim Jong-un sang gặp ông Tập Cận Bình”.
“Kim muốn nhắc chính quyền Trump rằng ông ta có lựa chọn ngoại giao và chính trị ngoài những thứ mà Washington và Seoul đưa ra”, ông Kazianis nói với CNN.
“Trung Quốc có thể dễ dàng biến chiến lược gây sức ép tối đa của ông Trump thành vô nghĩa khi hầu hết hàng hóa từ bên ngoài vào Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc”.
Ông Kazianis nói chuyến thăm diễn ra tại thời điểm này “không thể tốt hơn” đối với Trung Quốc, khi nước này đang xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và “cho thấy Bắc Kinh rõ ràng có quân bài Triều Tiên trong tay khi cần thiết”.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói với đài CNBC hôm thứ Hai rằng ông cảm thấy hai việc không liên quan.
“Người Trung Quốc đã luôn rõ ràng với chúng ta rằng đó là hai vấn đề tách biệt”, ông Pompeo nói. “Hành vi của họ đã chứng minh điều đó. Trung Quốc đã luôn là đối tác tốt trong nỗ lực giảm nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên đối với thế giới. Tôi hy vọng họ tiếp tục làm thế”.
Hoàn cầu thời báo trích một nguồn tin ẩn danh nói “ông Kim vẫn tin rằng Trung Quốc có thể giúp ông ta đạt được các đột phá trong các tình thế đối nội và đối ngoại”.
Lãnh đạo Triều Tiên “cần một đột phá trong quan hệ đang bế tắc với Mỹ, và ông ta tin Trung Quốc là chìa khóa”, vị chuyên gia Trung Quốc nói.
Đồng Triệu, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói với CNN đây là “một chiến lược hợp lý đối với ông Kim Jong-un, giữ cân bằng chiến lược giữa hai cường quốc”.
“Chiến lược này giúp tạo ra khoảng thở lớn nhất cho Triều Tiên và tạo ra cơ hội tốt nhất cho ông Kim trong việc đạt mục tiêu là giữ được vũ khí hạt nhân và đồng thời vẫn phát triển được nền kinh tế”, ông Đồng nói.
Ông cũng nói thêm rằng có thể ông Kim muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc trước một cuộc gặp với tổng thống Mỹ có thể diễn ra sau đó. “Một mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh có thể giúp Triều Tiên gây áp lực đối với Washington nhằm giành được kết quả thuận lợi trong đàm phán với Tổng thống Trump”.
Thạch Doãn Hồng, giáo sư quan hệ quốc tế của đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói chuyến đi của ông Kim sẽ không có tác động trực tiếp đối với các cuộc đàm phán thương mại Trung- Mỹ. “Tuy nhiên, từ các góc độ khác, việc này có thể được gián tiếp sử dụng đến chứng tỏ cho Mỹ thấy Trung Quốc không phải là không có quân bài trong tay”, ông Thạch nói. Ông cũng cho rằng chắc chắn ông Kim sẽ kêu gọi ông Tập hỗ trợ thêm Triều Tiên về kinh tế. |