Ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch công ty dịch vụ hàng không SASCO
Hội đồng quản trị Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa công bố nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc mới.
Theo đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn giữ chức Chủ tịch HĐQT SASCO kể từ ngày 20/4/2017 cho đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 - 2019.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn được đề cử tham gia HĐQT SASCO từ tháng 4/2016. Vợ ông Hạnh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, hiện giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group), cũng là thành viên HĐQT SASCO kể từ khi công ty này cổ phần hóa.
Theo báo cáo thường niên 2016 của SASCO, tính tới 31/12/2016, nhóm công ty liên quan tới IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên nắm 44% cổ phần của SASCO. Cổ đông lớn nhất của SASCO là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam với 51% cổ phần.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn là tỷ phú Việt Kiều, Chủ tịch IPP Group là người đã mang hơn 60 thương hiệu thời trang cao cấp, trung cấp cũng như các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.
Đầu năm nay, IPP cũng tham gia góp vốn xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh cùng với 5 nhà đầu tư khác. Dự án được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư giai đoạn một là 3.735 tỷ đồng.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng là thanh tra tài chính của hãng Boeing Mỹ. Ông từng có đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng mở rộng, hệ thống nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc.
Bà Đoàn Thị Mai Hương thôi chức Chủ tịch HĐQT, chuyển sang giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty SASCO. Bà Hương, người gia nhập SASCO từ khi mới thành lập, đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SASCO kể từ khi cổ phần hóa, sẽ vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty này.
Năm 2016, tổng doanh thu của SASCO đạt 2.275 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cả năm 2016 là 887 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của SASCO năm 2016 là 234 tỷ đồng.
Được biết, SASCO ra đời năm 1993, hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất với các dịch vụ phòng chờ, dịch vụ ăn uống, du lịch, xe vận chuyển, quảng cáo, kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh hàng mỹ nghệ, đặc sản địa phương...
Doanh thu của SASCO năm 2016 tới từ hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế (48%), kinh doanh bán lẻ và hàng hóa khác (27%), và kinh doanh dịch vụ (25%).