|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Danny Le tiết lộ lý do Masan rót trăm triệu đô vào một startup Singapore

14:34 | 27/02/2023
Chia sẻ
Masan coi Trusting Social là chìa khoá để số hoá hoạt động kinh doanh bán lẻ của mình.

Khi tăng khoản đầu tư vào startup Trusting Social lên gấp đôi, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) coi khoản đầu tư này là chìa khoá để mở ra cơ hội to lớn trong việc thúc đẩy dịch vụ tài chính toàn diện trong nước.

Ngày 10/2, Masan cho biết sẽ bơm 105 triệu USD vào Trust IQ, công ty mẹ của Trusting Social, nhằm sở hữu 25% cổ phần. 10 tháng trước đó, Masan đã đầu tư 65 triệu USD để đổi lấy 25% cổ phần tại Trusting Social - công ty sử dụng dữ liệu và công nghệ AI để chấm điểm tín dụng.

“Hợp tác với Trusting Social là một trong những sáng kiến chiến lược quan trọng để đẩy nhanh quá trình số hoá nền tảng bán lẻ tiêu dùng tích hợp của chúng tôi”, ông Danny Le, Giám đốc điều hành Masan Group nói với DealStreetAsia.

 Ông Danny Le phát biểu tại một sự kiện trong nước hồi đầu năm nay. (Ảnh: MSN).

Masan Group là một tập đoàn đa lĩnh vực, hoạt động trong các mảng sản xuất hàng tiêu dùng, khai khoáng và ngân hàng truyền thống, từ vài năm nay đã theo đuổi một chiến lược “Poin of Life” - một nền tảng người tiêu dùng có thể đến để mua sắm, sử dụng các dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khoẻ và tài chính, trên cả kênh online và offline.

“Dữ liệu chấm điểm tín dụng của Trusting Social được tham chiếu chéo với dữ liệu bán lẻ của chúng tôi sẽ tạo nên bộ dữ liệu mạnh mẽ để thúc đẩy tài chính tiêu dùng toàn diện hơn, tập trung cung cấp các khoản vay tiêu dùng với chi phí hợp lý thông qua hệ sinh thái của Masan”, ông Danny Le nói.

“Mặc dù chúng tôi mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình hợp tác, nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng để hình thành nên một nền tảng nhằm đạt được tầm nhìn cuối cùng là phục vụ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Danny Le nói thêm.

Các dịch vụ kỹ thuật số đầu tiên đã được áp dụng trong các cửa hàng tạp hoá vật lý của Masan như một cơ sở để mở rộng nền tảng tiêu dùng tích hợp. “Cửa hàng tạp hoá là nơi người tiêu dùng lui tới mua sắm hàng ngày, chiếm tới 25% chi tiêu của họ. Chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu bán lẻ để khởi động các dịch vụ cá nhân hoá, đồng thời lấy đó để làm cơ sở mở rộng các chương trình dịch vụ sau này”, vị Tổng giám đốc giải thích.

Sau khi mua lại mảng bán lẻ VinCommerce của Tập đoàn Vingroup - CTCP (Vingroup, mã VIC), vào năm 2019, Masan đã thành lập tiếp The CrownX làm nền tảng bán lẻ tiêu dùng tích hợp, gồm VinCommerce và Masan Consumer Holdings.

Theo vị CEO, việc tích hợp thêm Trusting Social vào nền tảng là một phần trong chiến lược xây dựng mô hình kết hợp, dành riêng cho thị trường Việt Nam. “Chúng tôi không nghĩ rằng một mô hình bán lẻ trực tuyến thuần tuý sẽ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam vì cơ sở hạ tầng trong nước. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào công nghệ và nền tảng kỹ thuật số, cũng như cách tích hợp trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến một cách liền mạch”.

Kể từ khi thành lập, CrownX đã huy động được một khoản tiền lớn từ các nhà đầu tư như Alibaba, BPEA, SK Group của Hàn Quốc, TPG, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown - một công ty con thuộc sở hữu của Temasek.

Khoản đầu tư mới nhất vào nền tảng này là 8,2 tỷ USD cuối năm 2021. Ông Danny Le tiết lộ rằng The CrownX đang cân nhắc IPO vào năm 2025 và lạc quan về sự thành công của đợt chào bán lần đầu ra công chúng này.

“Chúng tôi hiểu rõ các nhà đầu tư tại The CrownX và cách họ giúp chúng tôi điều hướng quá trình chuyển đổi này cũng như mở rộng quy mô kinh doanh. Chúng tôi có một danh sách cổ động hạng A chắc chắn sẽ đưa The CrownX đến với các nhà đầu tư tiềm năng khác trong tương lai”, ông nói.

Mặc dù hiện tại Masan Group không tích cực tìm mua thêm các công ty công nghệ, nhưng doanh nghiệp cho biết sẽ xem xét các cơ hội mới, cả trong và ngoài nước, nếu xuất hiện một công ty có tài sản trí tuệ và công nghệ độc đáo có thể áp dụng vào bán lẻ.

“Tôi tin rằng mô hình Poin of Life của chúng tôi là một nền tảng tương lai. Chúng tôi hiện có 3,.600 cửa hàng và đặt mục tiêu 10.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới. Nếu chúng tôi lấy Thái Lan hay Trung Quốc làm quy chuẩn, tôi nghĩ quá trình hiện đại hoá ngành bán lẻ Việt Nam mới chỉ đang thực sự bắt đầu”, ông nói.

Ông Danny Le cho rằng cách tiếp cận kỹ thuật số của tập đoàn là rất quan trọng đối với giai đoạn tiếp theo, để thực sự trở thành một tập đoàn định hướng dịch vụ.

Đức Huy