Ông chủ kín tiếng đứng sau loạt dự án khủng ở Quảng Ninh kinh doanh ra sao?
Bến Thành Holdings Group đang là doanh nghiệp gây chú ý trên thị trường BĐS khi vừa đề xuất hàng loạt dự án qui mô lên tới hàng trăm tỉ đồng tại Quảng Ninh.
Danh mục dự án Bến Thành Holdings Group đề xuất nghiên cứu tại Quảng Ninh gồm:
Dự án Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà có qui mô 4.988 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 7.108 tỉ đồng.
Dự án thứ hai là Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên có qui mô nghiên cứu 564,73 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 58.000 tỉ đồng.
Đề xuất lập qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị phía bắc với tổng qui mô khoảng 386 ha.
Đề xuất nghiên cứu qui hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng tại đảo Cái Chiên, đảo Thoi Xanh (huyện Hải Hà).
Tại TP Móng Cái có 3 dự án, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, Khu đô thị sinh thái tại phường Hải Hòa, Khu dịch vụ phi thuế quan tại phường Hải Hòa.
Cổ đông lớn nhất, đứng tên 7.560 tỉ đồng vốn góp, chiếm 60% vốn điều lệ Bến Thành Holdings Group là nữ doanh nhân sinh năm 1994 Đào Ngọc Bảo Phương. Nữ đại gia trẻ này cũng gây xôn xao khi đang nắm giữ vai trò chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp lớn khác.
Dù có vốn điều lệ lên tới 12.600 tỉ đồng nhưng Bến Thành Holdings Group không phải là cái tên quen thuộc trên thị trường địa ốc. Những ngày qua, dư luận đang đặt dấu hỏi về năng lực của ông chủ thực sự đứng đằng sau doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của người viết, Bến Thành Holdings Group có nhiều mối liên hệ với CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) của doanh nhân Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970).
Capella Holdings tiền thân là CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land - chủ đầu tư dự án căn hộ hạng sang The One Sài Gòn), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Cao Trí.
HĐQT Capella Holdings gồm ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, hai thành viên HĐQT còn lại là bà Trương Nguyễn Thiên Kim và bà Thân Thị Thu Thảo.
Hệ sinh thái của ông Nguyễn Cao Trí trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng (F&B), trung tâm hội nghị tiệc cưới, giáo dục,...
Theo giới thiệu, Capella Holdings đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng gồm: Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar; Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt Nam).
Capella Holdings và các vệ tinh kinh doanh ra sao?
Theo thông tin chúng tôi có được, Tập đoàn Capella có vốn điều lệ hơn 378 tỉ đồng. Doanh nghiệp hiện có 3 công ty con (CTCP Capella Entertainment, Công ty TNHH Capella Hospital, CTCP Salla), 2 công ty liên kết (CTCP Thương mại và Dịch vụ Lâu đài Ven Sông, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Đầu tư Lê Nguyễn) và 1 công ty liên quan là CTCP Bất động sản Bến Thành – Đức Khải.
Về kết quả kinh doanh, năm 2016, doanh thu và LNST của Capella Holdings ghi nhận lần lượt gần 203 tỉ đồng và 16 tỉ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần của công ty tăng mạnh lên gần 386 tỉ đồng nhưng LNST chỉ nhích nhẹ lên hơn 17 tỉ đồng.
Bắt đầu từ năm 2018, Capella Holdings kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần là LNST lần lượt đạt 71 tỉ đồng và 14,6 tỉ đồng, giảm lần lượt 81% và 14% so với năm trước.
Năm 2019, doanh thu của Capella Holdings tăng lên gần 85 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 442 triệu đồng, chỉ bằng 3% mức lãi của năm 2018.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỉ đồng, nợ phải trả hơn 758 tỉ đồng (gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu).
Tại Công Ty TNHH Capella Hospitality được thành lập năm 2015, ông Nguyễn Cao Trí là người Đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Cuối 2019, Capella Hospitality có vốn điều lệ 266 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 267 tỉ đồng, khoản lợi nhuận thu về trong năm là 18,3 tỉ đồng.
Đối với Công Ty Cổ Phần Capella Entertainment, công ty có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản cuối năm 2019 lần lượt là 41,7 tỉ đồng và 100,5 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh của công ty đã suy giảm trong những năm gần đây. Năm 2019, công ty ghi nhận 117 tỉ đồng doanh thu thuần và chỉ đạt 1,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Công ty con còn lại là CTCP Salla có vốn điều lệ đăng kí 24,5 tỉ đồng nhưng chưa có hoạt động đáng kể.
Với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông, thành lập năm 2010 do ông Nguyễn Cao Trí làm đại diện pháp luật. Công ty là chủ đầu tư Trung tâm Hội nghị – Tiệc cưới – Nhà hàng Riverside Palace, tọa lạc tại địa chỉ 360D Bến Vân Đồn, Quận 4.
Lâu Đài Ven Sông là thành viên kinh doanh doanh hiệu quả trong những năm gần đây. Năm ngoái, công ty đạt 205 tỉ đồng doanh thu và thu về 40 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Với số vốn điều lệ 40 tỉ đồng, công ty đã tích luỹ 137 tỉ đồng vốn chủ sở hữu trên nguồn vốn 227 tỉ đồng.
Ngoài ra, tháng 7/2019, ông Nguyễn Cao Trí đã kiêm nhiệm thêm cả vị trí Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của CTCP Lothamilk.
Ông còn đóng vai trò đại diện hàng loạt các doanh nghiệp khác như CTCP Dịch vụ và Nhân lực quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH US Talent International - UTI, CTCP Thương mại Dịch vụ Ô tô Bến Thành, CTCP Salla.
Doanh nghiệp thâu tóm Hai toà lâu đài Khải Silk lỗ nặng
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, ông Nguyễn Cao Trí còn là chủ sở hữu kín tiếng của Công ty TNHH Chloe Hospitality.
Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 9/2018, có vốn điều lệ 36 tỉ đồng. Trụ sở chính tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, Quận 7, TP HCM. Công ty đăng kí hơn 40 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành chính là kinh doanh bất động sản bao gồm mua, bán nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Theo bản đăng kí thành lập mới, chủ sở hữu của Chloe Hospitality là CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (tiền thân của Capella Holdings)
Ban đầu, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Chloe Hospitality là bà Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1970), vợ ông Nguyễn Cao Trí. Đến tháng 12/2018, theo nội dung đăng kí thay đổi, bà Đào Ngọc Bảo Phương thay bà Bùi Thị Vân Anh làm người đại diện pháp luật và cũng là tổng giám đốc của Chloe Hospitality.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2018, Chloe Hospitality gây chú ý khi là đối tác nhận chuyển nhượng quyền quản lí tòa lâu đài Tajmasago và nhà hàng Cham Charm từ doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk). Hai toà lâu đài này trị giá gần 30 triệu USD.
Kể từ sau khi tiếp quản hai tòa lâu đài kể trên cũng là lúc Chloe Hospitality rơi vào thua lỗ. Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp báo lỗ 6,8 tỉ đồng. Đến 2019, doanh thu thuần của Chloe Hospitality đạt 48 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2018 nhưng lại ghi nhận khoản lỗ 27,2 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Chloe Hospitality đạt 138 tỉ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 2 tỉ đồng, giảm 27 tỉ đồng; nợ phải trả là 136 tỉ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/