OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 2/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại sau.
Theo dự báo của OECD, kinh tế toàn cầu trong năm nay duy trì mức tăng trưởng 3,1% như năm ngoái và tăng tốc lên mức 3,2% trong năm tới.
Trong báo cáo hồi tháng 2/2024, các dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới ở các mức tương ứng 2,9% và 3%.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng đà phục hồi không đồng đều giữa các khu vực, khi lạm phát và lãi suất giảm với tốc độ khác nhau và sự cần thiết trong việc giảm thâm hụt ngân sách, nợ cũng có sự khác biệt.
Kinh tế Mỹ được dự báo tăng 2,6% trong năm 2024, so với mức 2,1% theo dự báo trước đó và tăng tốc so với mức 2,5% của năm 2023. OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế nước này trong năm tới từ 1,7% lên 1,8%.
Kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng tốc trong năm nay và năm tới, với các dự báo được nâng từ mức tương ứng 4,7% và 4,2% lên 4,9% và 4,5%, nhờ các biện pháp kích thích.
Tuy nhiên, OECD dự báo tăng trưởng của Eurozone chỉ đạt 0,7%, dù đã tăng so với mức 0,6% theo dự báo trước đó. Tổ chức này nhận định tốc độ tăng trưởng của kinh tế khu vực sẽ đạt 1,5% trong năm 2025, so với mức dự báo tăng 1,3% đưa ra hồi tháng 2/2024, nhờ nhu cầu nội địa phục hồi.
Theo OECD, thu nhập thực tế của các gia đình tăng, thị trường việc làm chặt và lãi suất giảm có thể góp phần đưa đến sự phục hồi từng bước của nền kinh tế.
OECD đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ 0,3% xuống 0,2%.
Với Nhật Bản, thu nhập tăng, chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp cắt giảm thuế tạm thời được cho là sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng từ 0,5% năm 2024 lên 1,1% trong năm 2025.
Theo báo cáo hồi tháng 2/2024 của OECD, kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng 1% trong năm nay.
Báo cáo của OECD cho rằng có sự lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu, dù tăng trưởng khiêm tốn và những rủi ro địa chính trị vẫn gây ra tác động.
OECD cảnh báo căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại Trung Đông, có thể gây biến động các thị trường tài chính và năng lượng, khiến lạm phát tăng và đà tăng trưởng yếu đi.