|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ô nhiễm, thiếu nước có thể gây tổn thất 3,5% GDP mỗi năm

07:30 | 31/05/2019
Chia sẻ
Đó là thông tin rất đáng chú ý rút ra từ nghiên cứu “Việt Nam: hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thực hiện và công bố ngày hôm nay, 30/5/2019.

Theo nghiên cứu nói trên, quá trình phát triển các đô thị làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng nước, được dự báo sẽ gây ra căng thẳng về nguồn tài nguyên nước vào mùa khô tại 11/16 lưu vực sông ở Việt Nam.

Ô nhiễm, thiếu nước có thể gây tổn thất 3,5% GDP mỗi năm - Ảnh 1.

Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn.


Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước và chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý.

Thêm vào đó, xả nước thải công nghiệp chưa xử lý, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá phổ biến đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các lưu vực sông.

Một thách thức nghiêm trọng khác đối với Việt Nam là hiệu quả sử dụng nước còn thấp, đặc biệt trong ngành nông nghiệp và thủy sản vốn chiếm tới 92% tổng lượng nước tiêu thụ toàn quốc.

Những nguyên nhân trên đang gây tổn hại lớn tới chất lượng nước và hệ sinh thái liên quan. Theo đó, tình trạng ô nhiễm nước là mối đe dọa lớn nhất, WB tính toán nguyên nhân này có thể gây tổn thất cho Việt Nam ước tính tới 3,5% GDP mỗi năm tính đến năm 2035.

Vòng xoáy tiếp theo là sự cạnh tranh về nhu cầu sử dụng nước ở nhiều ngành khác nhau ngày càng tăng, trong bối cảnh chất lượng nước ngày một kém đi. Bên cạnh đó, tác động biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nước càng trầm trọng hơn.

“Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận.

Theo nghiên cứu của WB, an ninh tài nguyên nước của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết một loạt những vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng căng thẳng về nước, suy giảm nhanh chất lượng nước, và những rủi ro thiên tai liên quan đến nước.

“Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Còn bà Jennifer Sara, Giám đốc cấp cao Ban nước Toàn cầu của WB thì bổ sung: “Báo cáo này gửi một thông điệp rõ ràng rằng tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước”.

Nghiên cứu chỉ ra các cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng nước là chuyển đổi sang những cây trồng và những hệ thống thủy lợi tạo ra thu nhập cao hơn cho mỗi đơn vị nước sử dụng, tiết kiệm nước để đạt kết quả tốt hơn, giảm lượng nước sử dụng qua việc ứng dụng công nghệ mới, và có biểu giá nước hợp lý để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Để cải thiện chất lượng nước, WB đưa ra khuyến nghị cần tăng cường năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi các quy định về quản lý nước; áp dụng cách tiếp cận tổng hợp ở quy mô lưu vực sông; xây dựng cơ chế khuyến khích việc giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nước hiệu quả hơn.

Cũng theo WB, Việt Nam cần có cải thiện trong công tác ứng phó với thiên tai và đảm bảo khả năng chống chịu trước các hiện tượng lũ lụt gia tăng, xói lở bờ sông, bờ biển với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nước biển dâng và sụt lún đất; cải thiện chất lượng chi tiêu công và khuyến khích huy động nguồn vốn tư nhân là một việc cần thiết để mở rộng nguồn tài chính cho cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước.

Ngân Linh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.