|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nvidia trong cuộc chiến chip

07:45 | 12/12/2023
Chia sẻ
Cuộc chiến chip là một cuộc tranh giành quyền kiểm soát nguồn cung chip giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nghe có vẻ lạ lùng nhưng công ty công nghệ thành công nhất trong năm qua lại là doanh nghiệp kinh doanh linh kiện phần cứng. Nvidia đã có một năm đáng kinh ngạc khi vốn hoá thị trường tăng gấp 3-4 lần chỉ sau một năm.

Chip xử lý của Nvidia là “bộ não” của ChatGPT và làn sóng mô hình ngôn ngữ lớn. Khi các công ty như Meta - công ty mẹ Facebook, cố gắng bắt kịp cuộc các mạng trí tuệ nhân tạo, đồng nghĩa với việc phải chi hàng tỷ USD để mua thêm phần cứng mới từ cùng một nhà cung cấp.

Trong quý vừa qua, hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu của Nvidia đã đạt doanh thu 14 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm ngoái. Điều này giúp tên tuổi của CEO kiêm coFounder Jensen Huang được nhắc tới trên khắp các mặt báo.

Chỉ vài giờ sau sự xuất hiện tệ hại của Elon Musk tại hội nghị DealBook do The New York Times tổ chức, trên cùng một sân khấu, ông Huang đã nói về thành công của công ty, những kỳ vọng dành cho trí tuệ nhân tạo có khả năng tư duy.

Tạp chí AI của The New Yorker xuất bản tháng trước đã so sánh Nvidia với các công ty bán vật tư trong thời kỳ cơn sốt đào vàng.

 Ảnh: Nvidia. Đồ hoạ: Rest of World.

Nvidia có rất nhiều tin tốt đến nỗi một số tin xấu thực sự nghiêm trọng có thể trôi qua mà hầu như không được chú ý. Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, công ty thông báo rằng họ đang lường trước các vấn đề xảy ra với việc xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, sau các quy định hạn chế mới của Mỹ.

Dữ liệu từ Nvidia cho thấy doanh số bán hàng sang Trung Quốc chiếm 1/4 tổng doanh số trung tâm dữ liệu, tương đương khoảng 3,6 tỷ USD. Các hạn chế mới nhắm vào các GPU khó sao chép nhất của Nvidia có thể khiến hoạt động kinh doanh đó gần như không còn lại gì.

Tại hội nghị DealBook, ông Huang có cái nhìn lạc quan về những hạn chế này. “Chúng tôi phải đưa ra những con chip mới tuân thủ quy định. Sau đó chúng tôi sẽ quay lại thị trường”, ông nói.

Nhưng có một vòng luẩn quẩn ở đây, khi Nvidia đáp ứng các quy định bằng thiết kế chip mới và Mỹ một lần nữa sẽ đáp lại bằng việc ra những hạn chế mới. Theo quan điểm của giới chức Mỹ, vấn đề nằm ở sự phát triển AI ở Trung Quốc nói chung, chứ không phải vấn đề cụ thể nào đó liên quan đến GPU.

Cho đến nay, các quan chức Mỹ liên quan đã có những phát ngôn cứng rắn. “Nếu bạn thiết kế lại một con chip xung quanh một giới hạn cụ thể, cho phép đối thủ sử dụng AI, thì chúng tôi sẽ kiểm soát nó ngay ngày hôm sau”, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói tại một hội nghị vào cuối tuần trước.

Thật khó để tưởng tượng một con chip đủ yếu để có thể xuất khẩu theo đúng quy định nhưng vẫn đủ mạnh để có thể sử dụng được. Và nếu Nvidia không thể giải được bài toán này, điều đó có nghĩa là họ phải từ bỏ toàn bộ 3,6 tỷ USD doanh thu.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng hết sức để thúc đẩy Huawei như một nguồn thay thế – mặc dù công ty này dường như khó có thể cạnh tranh cả về quy mô lẫn chất lượng.

Nếu coi AI như một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc (như hầu hết chính phủ Mỹ đều cho là như vậy), thì đây là một chiến thắng - nhưng nó khiến Nvidia rơi vào tình thế bấp bênh một cách đáng ngạc nhiên. 

Nếu không có những cải tiến liên tục, sẽ rất khó để duy trì sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo như hiện tại, điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Nvidia. Lịch sử nghiên cứu AI đầy rẫy những khoảng lặng này - được các nhà nghiên cứu gọi là "mùa đông AI". 

Không khó để tưởng tượng một mùa đông khác sẽ đến sớm nếu OpenAI và các công ty khác không thực hiện được những lời hứa ban đầu của họ. Mùa đông đó là mối đe dọa lớn nhất đối với sự giàu có của Nvidia trong vài năm tới - và đó là mối đe dọa mà các nhà nghiên cứu AI trên toàn thế giới đang cùng nhau chiến đấu.

Đức Huy (theo Rest of World)