|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Con đường Jensen Huang kiến tạo Nvidia thành công ty nghìn tỷ đô

11:59 | 11/12/2023
Chia sẻ
Ngay cả khi trở thành công ty chip giá trị nhất của Mỹ, CEO Nvidia vẫn luôn ám ảnh bởi viễn cảnh một ngày nào đó sẽ phá sản. Đó là động lực giúp ông liên tục đổi mới công ty của mình trong suốt 3 thập kỷ qua.

Khi Jensen Huang ngồi trong một quán ăn Denny’s địa phương và phác thảo kế hoạch cho công ty sẽ thay đổi cuộc đời mình, ông không thể ngờ startup ấy sẽ có giá trị lên tới 1.000 tỷ USD. Thực tế, vị CEO Nvidia không hề biết về những gì bản thân sắp đối mặt.

Nếu biết trước những điều này, có lẽ ông sẽ không bao giờ khởi nghiệp Nvidia bởi “lý do rất đơn giản” rằng: “Xây dựng Nvidia hoá ra khó hơn hàng triệu lần so với những gì tôi tưởng”. 

Trong năm nay, giá trị vốn hoá Nvidia đã vượt mốc 1.000 tỷ USD. Nếu như là 3 thập kỷ trước thì điều này là không thể và nó cũng không thực sự khả thi chỉ một năm trước đó, trước khi cuộc đua trí tuệ nhân tạo bùng nổ, giúp vốn hoá Nvidia bằng tổng giá trị Netflix, Nike và Novo Nordisk cộng lại.

Jensen Huang. (Ảnh: Getty).

Sự thẳng thắn của CEO Nvidia mang tới cái nhìn hiếm hoi về những trải nghiệm của một trong những doanh nhân thành công nhất trong hế hệ của ông. Trên chặng đường khởi nghiệp, Huang nhận ra rằng thiếu hiểu biết đôi khi cũng là một lợi thế.

“Tôi nghĩ đó là siêu năng lực của doanh nhân. Họ không biết sẽ khó đến mức nào và tự hỏi: Việc đó có thể khó đến mức nào cơ chứ? Cho đến nay, tôi vẫn đánh lừa bộ não của mình rằng sẽ chẳng khó đến thế đâu”, ông nói.

Hoá ra là có vô vàn khó khăn. Ông không biết rằng kế hoạch kinh doanh ban đầu không có cơ hội thành công. Ông không biết mình sẽ thất bại bao nhiêu lần và cũng không biết bản thân sẽ nhận về những gì. 

Vị tỷ phú 60 tuổi nói rằng không sẽ không mạo hiểm nữa không có nghĩa là ông khuyên những người khác đừng mạo hiểm. Thực tế thì ngược lại, theo Huang, chỉ có những doanh nhân như vậy mới không nản lòng trước những khó khăn trong việc xây dựng công ty.

Đây là những chia sẻ của CEO Nvidia trong một tập podcast của Acquired.

Sau ba thập kỷ cống hiến, giờ đây Huang vẫn miệt mài tham gia vào các sách lược của Nvidia. Ông vẫn quản lý 50 giám đốc điều hành - những người phải báo cáo trực tiếp công việc cho ông. Đồng thời tham dự tất cả các cuộc họp về sản phẩm với những nhân viên cấp dưới.

Chưa bao giờ có một doanh nghiệp nào lớn đến vậy mà mọi người biết rất ít về nó. Nhưng nhà sản xuất podcast David Rosenthal mạnh dạn khẳng định: “Ông ấy chính là linh hồn của công ty”.

Hiện chỉ có 5 công ty Mỹ có giá trị vượt quá 1.000 tỷ USD, gồm: Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Nvidia. Trong đó, giá cổ phiếu Apple, Microsoft và Alphabet chưa bao giờ giảm 85% từ đỉnh. Amazon có một lần, còn Nvidia đã trải qua hai lần, vào 2002 và 2008. 

Ngày nay, nhìn vào biểu đồ lịch sử chứng khoán của Nvidia, những lần sụt giảm như thế trông thật nhỏ bé, nhưng vào thời điểm ấy, người sáng lập không cảm nhận như vậy. Huang tiếp tục trải qua cảm giác khó chịu ấy một lần nữa khi trong năm ngoái, Nvidia bị “thổi bay” nửa giá trị.

Jensen Huang vào thời điểm 2003. (Ảnh: Getty).

Bước sang năm 2023, cổ phiếu Nvidia đã bùng nổ khi chứng kiến nhu cầu về GPU chưa bao giờ lớn đến vậy. Những con chip do Nvidia sản xuẩt cung cấp “nguồn sống” cho các mô hình trí tuệ nhân tạo và không ai khác, Jensen Huang là người kiểm soát nguồn cung.

Các mô hình trí tuệ nhân tạo đòi hỏi cần có hàng chục nghìn đơn vị xử lý đồ hoạ để có thể xử lý nhiều tác vụ tính toán cùng lúc. Nvidia của ông Huang đã đầu tư vào GPU từ rất lâu trước khi nhu cầu thị trường bùng nổ.

Vai trò trung tâm của Nvidia trong nền kinh tế AI là lý do khiến giá trị công ty tăng gấp 3 lần và đánh bại mọi công ty khác trong S&P 500 trong năm nay. Nvidia đang trên đà đạt được hiệu suất hàng năm tốt nhất so với bất kỳ cổ phiếu lớn nào trong thập kỷ qua.

Điều này khiến những chia sẻ của người sáng lập Jensen Huang được công chúng quan tâm hơn bao giờ hết. Huang đã có một năm thành công hơn bất cứ ai, ngoài nữ ca sĩ Taylor Swift.

Nhưng ngay cả khi Nvidia đang ở đỉnh cao thành công, ông vẫn bị ám ảnh bởi viễn cảnh thất bại.

Theo tờ New Yorker, câu thần chú từ ngày đầu khởi nghiệp của ông là: “Công ty chúng tôi còn 30 ngày nữa là dừng hoạt động”. Tại thời điểm này, Nvidia có giá trị cao hơn các gã khổng lồ chip khác của Mỹ cộng lại nhưng người sáng lập vẫn luôn bị nỗi sợ hãi đó chi phối.

Chia sẻ tại Trường Kinh doanh Columbia, ông nói: “Bạn luôn có nguy cơ phá sản. Nếu bạn không tiếp thu được khả năng nhạy cảm đó, bạn sẽ phá sản”. 

Biểu đồ tăng trưởng cổ phiếu của Nvidia. (Nguồn: TradingView). 

Nhà sản xuất chip có giá trị lớn nhất thế giới được thành lập năm 1993 bởi ba người Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem tại một quán Denny's ở San Jose, California. Không ai chú ý tới ba vị khách uống quá nhiều cà phê này trừ nhân viên phục vụ.

Khi Huang nói rằng ông đang làm card đồ hoạ cho trò chơi điện tử, mẹ đã khuyên ông nên kiếm một công việc thực sự.

Bí quyết thành công ban đầu của Nvidia không nằm ở con người hay ngành công nghiệp mà họ chinh phục. Nó nằm ở cơ cấu quản trị không chính thức mà họ áp dụng cho startup của mình. Tại Nvidia, Huang luôn là người nắm quyền, trong khi Malachowsky và Priem sẽ báo cáo lại với ông. Nhưng cả ba đã thoả thuận rằng những người sáng lập sẽ có thẩm quyền trong lĩnh vực riêng của mình.

“Chúng tôi sẽ nói chuyện hoặc tranh luận về các quyết định của nhau. Nhưng mặc định người đua ra quyết định cuối cùng sẽ là người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Đó không phải là đồng ý hay không đồng ý. Quyết định cuối cùng được đưa ra và sẽ chấm dứt mọi bất động, mọi người đồng lòng theo chung một hướng”, Priem nói.

Bằng sự sắp xếp này, Huang chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đối tác để sản xuất chip. Nhưng đó là một gánh nặng rất lớn đặt lên vai một người. Trong một lần nói chuyện với Huang, Priem đề nghị ông nên san sẻ gánh nặng cho những người khác.

“Huang giữ tất cả những áp lực công việc cho riêng mình. Ôi Chúa ơi! Đó là khoảnh khắc tôi hiểu được ông ấy cô đơn đến mức nào với vị trí của mình”, đồng sáng lập Priem chia sẻ.

CEO Nvidia. (Ảnh: Reuters).

Nvidia đạt giá trị thị trường 1.000 tỷ USD không làm cho công việc của Huang dễ thở hơn chút nào.

Hiện tại, Nvidia phải tuân theo các quy định chặt chẽ của Mỹ nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận các chip tiên tiến của Trung Quốc. Chưa kể đến cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ trong nước muốn lật đổ sự thống trị của Nvidia.

Nhưng mọi chuyện còn khó khăn hơn nhiều khi Nvidia không thành công như vậy.

Ngày đầu thành lập, sau khi ra mắt sản phẩm card đồ hoạ đầu tiên và nhận thất bại, Huang đã phải sa thải một nửa nhân viên. Hết tiền, đứng trên bờ vực phá sản, ông đã đặt cược vào dòng chip năm 1997 - đã cứu vớt Nvidia.

Nhưng thập kỷ sau, khi Nvidia niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty phải đối mặt với giai đoạn tàn khốc hơn trong thời kỳ bong bóng dot com và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay cả khi thị trường phục hồi, Nvidia vẫn chưa thể trở lại.

Từ năm 2008 đến 2013, khi S&P 500 tăng 25% thì Nvidia lại giảm 50%.

Các nhà đầu tư lo lắng khi Huang rót tiền vào một nền tảng mới để tăng tốc điện toán - một nền tảng cho phép các nhà phát triển làm bất cứ điều gì họ muốn với GPU. Khi ấy, Phố Wall hoài nghi về tầm nhìn tương lai của ông. 

Chỉ có một nhóm người có thể nhận ra, đó là các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Khi họ bắt đầu dùng chip của Nvidia để huấn luyện mạng lưới thần kinh, họ nhận ra tiềm năng từ công cụ biến đổi trên GPU mà Huang đã đầu tư trước đó.

Và sau ấy, ông tiếp tục quyết định đánh cược với lĩnh vực chip của mình một lần nữa. Những đột phá ban đầu trong lĩnh vực học sâu đã bộc Huang thực hiện một bước đí mới. Năm 2012, Nvidia đã làm việc trên hệ thống sẽ trở thành siêu máy tính trí tuệ nhân tạo đầu tiên của hãng.

4 năm sau, Huang giao nó cho OpenAI - nơi các nhà nghiên cứu đã sử dụng GPU của Nvidia để chế tạo ChatGPT, ứng dụng đã trở thành phần mềm hot nhất trong lịch sử công nghệ khi được phát hành vào năm ngoái.

Đức Huy (theo WSJ)