|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nửa đầu năm, bảo hiểm nhân thọ giảm tốc

16:42 | 24/07/2019
Chia sẻ
Với việc một số doanh nghiệp bảo hiểm “đầu tàu” tiến hành điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, việc doanh thu phí bảo hiểm mới và tổng doanh thu khối nhân thọ giảm tốc trong nửa đầu năm 2019 đã được dự báo trước.
zzzxl-thudoanh_zstp

So với tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh cùng kỳ năm trước, cả doanh thu khai thác phí mới và tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 6 tháng năm 2019 đều giảm tốc. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 37.503 tỷ đồng, tăng 32,38% so với cùng kỳ năm 2017 (theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm). Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 12.839 tỷ đồng, tăng 31,55%.

Trong khi đó, nửa đầu năm nay, theo Báo cáo ước tính kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 44.195 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí khai thác mới ước đạt 14.759 tỷ đồng, tăng trưởng 14,9%.

Sự giảm tốc doanh thu phí bảo hiểm mới và tổng doanh thu cả khối nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2019 là điều đã được dự báo trước, bởi một số doanh nghiệp “đầu tàu” bắt đầu tái cơ cấu, xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu khai thác mới vào cuối năm 2018 và tiếp tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, việc bán hàng qua kênh đại lý có dấu hiệu chững lại và giảm sút. Công tác tuyển dụng đại lý khó khăn hơn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và có thay đổi trong quy định thi cấp chứng chỉ cho đại lý. 

Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang kiến nghị với cơ quan quản lý xem xét việc tăng số lượng đợt thi cấp chứng chỉ đại lý online và mở rộng địa bàn thi online để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đại lý, cũng như doanh nghiệp bảo hiểm.

Cũng liên quan đến vấn đề đại lý, dù đã có Bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ nhưng tình trạng một số cán bộ, quản lý đại lý/đại lý của doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích đại lý, lãnh đạo của doanh nghiệp cũ hoặc mời chào đại lý của doanh nghiệp cũ gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn tái diễn…

Ngoài ra, tình trạng đại lý bảo hiểm dù chưa chấm dứt hợp đồng đại lý với doanh nghiệp này nhưng xuất hiện tại các lớp học hoặc sự kiện dành cho đại lý của doanh nghiệp khác gây bức xúc cho các doanh nghiệp có liên quan. 

Việc thay đổi chính sách cũng khiến các vụ tranh chấp, khiếu nại giữa đại lý, tổng đại lý với một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xảy ra liên tục trong những tháng đầu năm 2019.

Ngoài việc tăng trưởng, phát triển đại lý…, câu chuyện đại lý bảo hiểm chơi “game” (đại lý ma, hợp đồng ảo) và hoạt động của đại lý tổ chức cũng đã được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị CEO doanh nghiệp nhân thọ vừa diễn ra.

“Chủ trương mở rộng thị phần, tuyển dụng ồ ạt để tăng trưởng nóng suốt thời gian qua đã tạo ra những hệ lụy tất yếu này”, một chuyên gia trong ngành bình luận.

Đối với các vấn đề tranh chấp, khiếu nại lôi kéo đại lý…,  ngoài biện pháp xử lý “phần ngọn” là tăng cường các biện pháp nhắc nhở, giám sát quy trình nội bộ của doanh nghiệp và cam kết không chấp nhận những đại lý chưa cắt mã số tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác tham gia các khóa đào tạo, cũng như các hoạt động, sự kiện dành cho đại lý tại doanh nghiệp bảo hiểm của mình…, một biện pháp xử lý “phần gốc” đã được đưa ra.

Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đồng nhất với chủ trương phải báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất để Hiệp hội Bảo hiểm có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và chất lượng của đội ngũ đại lý.

 Từ đó, các doanh nghiệp chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng đại lý tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Về vấn đề này, Đầu tư Chứng khoán từng có nhiều bài viết, trong đó có bài:  “Nên bắt buộc công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng của các công ty bảo hiểm?” đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.

Gia Linh