|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nữ tướng Tân Hiệp Phát nêu hai hướng đi tham vọng cho dây chuyền tái chế rác thải nhựa tại Hậu Giang

21:49 | 07/04/2022
Chia sẻ
Chia sẻ tại một sự kiện chiều nay (ngày 7/4), nữ tướng Trần Ngọc Bích của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đề cập đến hai mục tiêu tham vọng của dây chuyền tái chế rác thải nhựa mới bên trong nhà máy Number One Hậu Giang.

Chiều ngày 7/4, tại buổi gặp mặt cùng lãnh đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Trần Ngọc Bích - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã chia sẻ về một số dự định mới của ông lớn đồ uống Việt Nam. Trong đó, bà Bích đặc biệt nhấn mạnh về nhà dây chuyền tái chế rác thải nhựa đầu tiên của tập đoàn, được đặt tại nhà máy Number One Hậu Giang.

Nói về dây chuyền tái chế nhựa mới, vị "nữ tướng" của Tân Hiệp Phát cho hay: "Mặc dù từng rơi vào giai đoạn khó khăn, chúng tôi vẫn nỗ lực và hoàn thành kế hoạch cho nhà máy tái chế rác thải nhựa vào ngày 15/10. Đây là kế hoạch cho giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn [bên trong hệ sinh thái Tân Hiệp Phát]".

Theo ước tính của Tân Hiệp Phát, dây chuyền nêu trên sẽ giúp tái chế khoảng 3.600 tấn nhựa HDPE mỗi năm. Bà Trần Ngọc Bích cho biết, trong tương lai, dây chuyền này sẽ giúp Tân Hiệp Phát tự mình thực hiện tái chế; đồng thời trở thành đơn vị gia công, tái chế cho các doanh nghiệp khác. Đây có thể nói là hai hướng đi tham vọng của Tân Hiệp Phát.

Bà Trần Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, giới thiệu về các máy móc bên trong dây chuyền tái chế rác thải nhựa tại nhà máy Number One Hậu Giang, chiều ngày 7/4. (Ảnh: Khả Nhân).

Nhà máy Number One Hậu Giang là một trong 4 cơ sở sản xuất chính của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Việt Nam. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019 tại khu công nghiệp Sông Hậu, với tổng quy mô 40 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. 

Cũng tại buổi gặp mặt cùng lãnh đạo VCCI, ông Tống Nhân Tôn - Giám đốc nhà máy Number One Hậu Giang, cho biết mục tiêu của Tân Hiệp Phát trong thời gian gian tới là đạt doanh thu 1 tỷ USD, đầu tư 1 - 2 nhà máy ở nước ngoài vào năm 2023 và sau đó, tiến tới mốc doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2027.

 Công nhân làm việc trên dây chuyền tái chế rác thải nhựa. (Ảnh: Khả Nhân).

Tháng 9 năm ngoái, IFC và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố một báo cáo về cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa tại Việt Nam.

Theo báo cáo, chỉ 1,28 triệu tấn (tương đương 33%) trong 3,9 triệu tấn rác thải nhựa các loại thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế nước ta đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.

Bình luận về bản báo cáo, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc IFC khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, từng nhận định: "Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề vì rác thải nhựa".

Khả Nhân