Nông sản Đà Lạt bị nông sản Trung Quốc lấn ép ngay trên sân nhà
Nông sản chỉ chiếm 3,5% cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc | |
Vì sao nông sản, ẩm thực Việt chưa làm giàu được cho người Việt? |
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, quả của Đà Lạt, Lâm Đồng đã bị rớt giá thê thảm khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Nguyên nhân được cho là nông sản giá rẻ cùng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Lâm Đồng ngày càng nhiều, sau đó mạo danh nông sản mang thương hiệu Đà Lạt rồi xuất đi tiêu thụ một số thị trường lớn trong nước.
Mấy tháng nay, việc canh tác của gia đình ông Trần Văn Thịnh, ở phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn đối mặt với nhiều khó khăn vì giá cả các nông sản rau, củ, quả mà gia đình làm ra đã rớt xuống tận đáy, lắm lúc phải bán rẻ như cho, chấp nhận thua lỗ nặng nề.
“Giá nông sản rẻ hơn trước rất nhiều, trước kia giá cải, sú từ 2.000 – 3.000 đồng/gốc nay giảm chỉ còn 300 đồng/gốc nhưng khó có người mua. Khoai tây trước kia có giá trên 10.000 đồng/kg nay cũng giảm chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng, có lúc 5.000 đồng/kg”, ông Thịnh cho biết.
Hóa đơn thể hiện 25 tấn nông sản Trung Quốc vừa được nhập vào Lâm Đồng. |
Ông Nguyễn Xuân Thiên, ở phường 2, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng là một thương lái tại chợ nông sản Đà Lạt cho biết, nông sản Đà Lạt rớt giá là do có nhiều nông sản cùng loại giá rẻ, nguồn gốc từ Trung Quốc được các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn nhập về Lâm Đồng ngày càng nhiều.
Tuy chưa nói đến có sự gian lận thương mại, đánh tráo thương hiệu nông sản hay không, nhưng điều này đã dẫn đến cán cân cung – cầu lâu nay đã bị phá vỡ. Kết quả, hàng nông sản của địa phương đã bị nông sản của Trung Quốc lấn lướt hoàn toàn, sản lượng đóng gói, đưa đi tiêu thụ tại một số thị trường lớn ở trong nước ngày càng giảm mạnh.
“Giá khoai tây Đà Lạt rất bấp bênh. Rau sú, cải cũng đều bán rất chậm. Ngày nào tôi cũng đóng hàng đưa đi nhưng chỉ trong khoảng 3-4 tấn vì sức tiêu thụ của thị trường rất chậm nên số lượng tồn đọng lớn”, ông Thiên nói.
Hiện tại, hầu hết các loại nông sản của Trung Quốc được nhập về Lâm Đồng có giá chỉ bằng từ 20 - 30% so với nông sản cùng loại được sản xuất tại Đà Lạt và các vùng lân cận. Điều này khiến nông sản Đà Lạt vốn chiếm ưu thế lớn trên thị trường đã kém thế cạnh tranh so với nông sản cùng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc ngay tại sân nhà.
Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát hiện một số cơ sở trên địa bàn nhập nông sản của Trung Quốc, sau đó trộn lẫn, đóng gói chung với nông sản của địa phương rồi đưa đi tiêu thụ tại các thị trường trong nước. Sự mạo danh thương hiệu, mập mờ về nguồn gốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của nông sản Đà Lạt, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và đời sống kinh tế của nông dân địa phương.
Tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc nông sản Đà Lạt thua thiệt ngay tại sân nhà là điều không thể chấp nhận, vì vậy các đơn vị chức năng của tỉnh cần phải sớm có giải pháp để chấn chỉnh.
“Trong thời gian gần đây, hàng hóa nông sản của Lâm Đồng đang bị cạnh tranh gay gắt ngay trên chính sân nhà và bị thua trên sân nhà. Hàng nông sản của Trung Quốc nhập vào các địa phương của Lâm Đồng đã được “biến hóa” trở thành sản phẩm của Đà Lạt với giá rẻ hơn. Đây là việc làm gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân, đề nghị Sở Công Thương, Sở NN&PTNT rà soát lại và đề xuất đối với tỉnh để có các giải pháp xử lý việc này, không để tình trạng này tiếp diễn”, ông Việt nói./.
Xem thêm |