|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nông nghiệp sẽ là trọng tâm đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

20:37 | 14/02/2017
Chia sẻ
Đây chia sẻ của đại diện Jetro trong buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản châu Á – Thái Bình Dương ngày 14/2 tại Hà Nội.
nong nghiep se la trong tam dau tu cua nhat ban
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam. Ảnh: Hà Nội Mới.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm đến nông nghiệp và kỳ vọng các doanh nghiệp nước này đầu tư. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế số doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Nhật Bản đang đầu tư nhiều nhất vào Đà Lạt hay chè ở Mộc Châu, vào sản xuất rau...

"Số doanh nghiệp tư vấn thì nhiều nhưng được cấp phép và triển khai hoạt động kinh doanh chưa đáng bao nhiêu. Nông nghiệp sẽ là trọng tâm hướng tới của Jetro tại Việt Nam", Trưởng đại diện Jetro cho biết.

Ông Atsusuke Kawada chia sẻ, hiện đang có đoàn khảo sát gồm 10 doanh nghiệp Nhật Bản và 15 doanh doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam tới Vĩnh Phúc, Đà Lạt để tìm hiểu về môi trường và tiềm năng đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam.

Ông cũng cho biết đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vẫn đề hợp tác này, tuy nhiên nội dung chi tiết sẽ được bật mí sau.

Hơn 65% số doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng sản xuất

“Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, 66,6% muốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Trong khi đó chỉ có 40,1% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc mà thôi”, đại diện Jetro chia sẻ.

Khoảng 88% đơn vị cho biết lý do chính mở rộng kinh doanh là để tăng doanh thu, và 63% doanh nghiệp ngành công nghiệp phi chế tạo cho biết mở rộng kinh doanh là vì thấy khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.

Cũng theo khảo sát, có 62,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết là có lãi là (tăng 4,0% điểm so với năm trước) và 25,1% số đơn vị trả lời “lỗ” (tăng 1% điểm).

Môi trường đầu tư ở Việt Nam cải thiện

Về thuận lợi trong môi trường đầu tư, Việt Nam xếp thứ tư trên tổng số 15 quốc gia được khảo sát về “Tình hình chính trị, xã hội ổn định”. “Quy mô thị trường, tính tăng trưởng”, và “Chi phí nhân công rẻ” của Việt Nam cũng được đánh giá tích cực. Việt Nam cũng là nước thứ 6 có "Môi trường sống thuận lợi cho người nước ngoài".

Dù vậy, trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam còn hạn chế về “Rào cản ngôn ngữ” khi chỉ 9,5% trong số họ cho biết không gặp trở ngại gì. Các nước khác trong khu vực đều có lợi thế hơn so với Việt Nam.

Nhìn chung, trong 5 rủi ro hàng đầu khi đầu tư vào Việt Nam do các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra, ngoại trừ yếu tố chi phí nhân công tăng cao hơn so với khảo sát trước, còn 4 loại rủi ro khác đều đã cải thiện so với năm trước.

“Sự tích cựu ấy nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng chỉ với 40% ý kiến doanh nghiệp nói về điều này, chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa, các bộ và các địa phương phải thực sự thực hiện cải thiện này”, ông trưởng đại diện cho ý kiến.

Doanh nghiệp Nhật Bản nhận xét rằng nội dung văn bản pháp luật xa rời thực tế, thiếu nghiên cứu trước khi xây dựng. Nội dung văn bản pháp luật không rõ ràng dẫn tới vận dụng không thống nhất ở các địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn cho biết phải có chi phí không chính thức khi thông quan hay khi đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục thuế phức tạp.

Jetro tiến hành khảo sát 10.983 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó có 1.285 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia đợt khảo sát này và 639 doanh nghiệp đưa ra trả lời hợp lệ.

Thời gian khảo sát là từ tháng 10 - 11/2016.

Thái Hoàng