Nông dân 'kêu trời' vì vật tư tăng cao, giá lúa giảm mạnh
Nông dân sản xuất lúa không có lợi nhuận do giá lúa giảm mạnh, còn vật tư tăng cao. Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với TBKTSG Online, bà con nông dân sản xuất lúa ở các địa phương như Tiền Giang, Long An đều "kêu trời" khi giá lúa giảm mạnh, khó bán, trong khi giá vật tư nông nghiệp đã đầu tư hồi đầu vụ tăng rất mạnh, khiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất lúa của họ “teo” dần.
Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện có giá chỉ còn 4.300 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với thời điểm trước Tết và giảm mạnh đến 1.100-1.200 đồng/kg so với cùng kỳ.
Trong khi đó, khi TBKTSG Online hỏi về lợi nhuận trong vụ lúa đồng xuân 2018-2019, ông Nguyễn Văn Hậu, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An nói rằng: “Vật tư tăng cao, giá lúa giảm mạnh, thì lời lãi gì đâu”
Theo phân tích của ông Hậu, so với vụ đông xuân năm ngoái, giá lúa hiện đã giảm trên 1.000 đồng/kg, tương đương 20.000 đồng/giạ (mỗi giạ lúa 20 kí lô gam). “Như vậy, chỉ tính riêng giá lúa giảm, mỗi héc ta diện tích đã mất ít nhất 8 triệu đồng”, ông cho biết và giải thích mỗi công đất (1.000 mét vuông) bình quân cho năng suất 40 giạ, tương đương 400 giạ/héc ta.
Không dừng lại ở đó, ông Hậu cho biết, chi phí vật tư nông nghiệp trong vụ đông xuân 2018-2019 lại tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, phân đạm tăng đến khoảng 100.000 đồng/bao 50 kí lô gam; DAP tăng 120.000-130.000 đồng/bao 50 kí lô gam và phân kali cũng tăng 60.000-80.000 đồng/ bao 50 kí lô gam.
Chính áp lực nêu trên, theo bà con nông dân, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2018-2019 này đã giảm rất mạnh, khả năng đạt chưa bằng 30% lợi nhuận của vụ đông xuân 2017-2018 vừa qua.
Dù giá đã giảm mạnh, nhưng theo ghi nhận của TBKTSG Online, hiện việc tiêu thụ lúa của nông dân đang rất khó khăn, thậm chí lúa tới ngày thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất ít.
Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ dưới sự chủ trì của ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố đã triệu tập cuộc hợp với các sở ngành, doanh nghiệp và ngành ngân hàng để bàn phương án đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân.
Theo đó, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đề nghị, cần có gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay mua lúa gạo trong thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 6%/năm.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV đề xuất Chính phủ nên nhanh chóng có động thái giải quyết để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt thông qua chương trình mua lúa tạm trữ như đã từng thực hiện.
“Chính phủ phải có động thái này (mua tạm trữ), thì bà con nông dân mới bình tĩnh, hàng xáo cũng tranh thủ đi mua cho bà con nông dân và các nhà kho cũng bỏ tiền ra mua vào”, ông cho biết và nói rằng điều này sẽ giúp “phá vỡ” bế tắc trong ngành lúa gạo hiện nay.