Nới room tín dụng: Nên sớm nhưng cần thận trọng
Doanh nghiệp 'khát' tiền
Việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trong những tháng cuối năm 2022, khi nhu cầu vay vốn tăng cao trong khi room tín dụng vẫn chưa được nới.
Số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6 (9,3%). Điều này cho thấy, các ngân hàng đã cạn room nên không thể đẩy vốn ra thị trường.
Nhiều ngân hàng đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của mình trong nửa đầu năm và việc giải ngân mới hiện tại khá nhỏ giọt. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank,... đã phải cân đối lại cơ cấu cho vay vốn của mình bằng cách bán bớt danh mục trái phiếu doanh nghiệp để có thêm "room" giải ngân cho khách hàng.
“Chúng tôi đang nằm trong tình thế khó vì đã mua hàng của ngư dân rồi nhưng ngân hàng chưa thể giải ngân và cũng không biết đến bao giờ mới có thể giải ngân vì room vẫn chưa được nới", ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch CTCP Thủy sản Thuận Phước, chia sẻ với chúng tôi.
Ông cho hay tình trạng không có nguồn tiền giải ngân từ phía ngân hàng dễ dẫn đến việc doanh nghiệp bị mất uy tín, mất khách hàng, đối tác.
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho biết tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng.
Do đó nhiều nhà nhập khẩu không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10, dẫn đến doanh nghiệp bị tồn kho, không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Công cũng cho biết việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp, ngành hàng trong những tháng cuối năm 2022.
Nới room tín dụng nên sớm nhưng vẫn cần thận trọng
Mặc dù các doanh nghiệp khát vốn, nhưngNgân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khá thận trọng trong việc điều chỉnh room tín dụng của toàn ngành cũng như của các ngân hàng.
“NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao”, SSI Research nhận định.
SSI Research cũng cho rằng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng có thể cân nhắc nâng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn một chút so với 14% bởi dòng tiền năm nay đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn là vào đầu cơ.
“Ngân hàng Nhà nước phải tính toán từ nay đến cuối năm dòng vốn FDI như thế nào, vốn đầu tư công ra sao để dự báo lạm phát trong bối cảnh đó. Từ đó có thể bắt đầu cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn thay vì chờ đến quý IV”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững giữa tháng 7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.
Thống đốc cũng cho hay việc NHNN điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu chính là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
"Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó," bà Hồng cho hay.
Nhận định về các động thái của Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, cho rằng việc NHNN vẫn chưa có động thái mở room tín dụng cho các ngân hàng một phần là do lo ngại về việc hình thành cuộc đua lãi suất.
"Với Gap giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động lên tới 6 - 7% như hiện tại thì cuộc đua huy động là khó tránh khỏi. Hiện tại chưa mở room mà lãi suất huy động tại các ngân hàng đã tăng từ 0,5 - 0,75% từ đầu năm", ông Báu nhận định.
Hay trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng áp lực lãi suất đang ngày càng gia tăng. "Hiện tại, tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức nhanh nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm trở lại đây, và là yếu tố tạo ra áp lực khiến cho lãi suất tăng," báo cáo viết.
CEO WiGroup cho rằng NHNN sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) và vẫn tiếp tục nới lỏng ở thị trường 1 để kìm đà tăng của lãi suất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Ông cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của Fed vì trong thời gian qua dự trữ ngoại hối đã được sử dụng khoảng 10% và không còn dồi dào như trước.
Tuy nhiên, theo số liệu của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn 102,89 tỷ USD tính tới cuối tháng 5. So với cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 4,5 tỷ USD.
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng NHNN vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối, do vậy thời gian tới là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng sẽ không mạnh và phân hóa giữa các ngân hàng.