Chỉ vài nghìn nhân viên ngân hàng trên thế giới hưởng mức lương hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng áp lực công việc của họ rất lớn và nguy cơ tự sát khá cao.
|
Ở thành phố New York (Mỹ), một cử nhân mới ra trường có thể kiếm mức thu nhập 100.000-150.000 USD/năm (2,2-3,5 tỷ đồng) nếu làm việc trong ngành ngân hàng. Khoản thu nhập ấy bao gồm cả lương và thưởng. Nếu sở hữu bằng MBA, lương khởi điểm thậm chí còn có thể dao động ở mức 120.000-220.000 USD (tương đương 2,7-5 tỷ đồng). Đây là dữ liệu của trang Careers in Finance. |
|
Theo nhiều trang tin về kinh tế, mức lương của nhân viên ngân hàng tại nhiều nước giàu có thể lên tới hàng triệu USD mỗi năm. Thống kê của Cơ quan ngân hàng châu Âu cho thấy số nhân viên ngân hàng có mức lương trên 1 triệu USD/năm (khoảng 22 tỷ đồng) đạt gần 3.000 người. Một số nhân viên xuất sắc nhất thậm chí kiếm được tới 25 triệu USD/năm (568 tỷ đồng). |
|
Nhân viên thuộc ban lãnh đạo, ban cố vấn, bộ phận tín dụng, bộ phận kinh kinh doanh vốn và ngoại hối là những vị trí hưởng mức lương cao nhất, bởi công việc của họ cần nhiều kỹ năng và trách nhiệm hơn so với các vị trí khác. |
|
Lương cao đi đôi với áp lực lớn. Phần lớn nhân viên ngân hàng phải làm việc rất căng thẳng, chịu nhiều áp lực từ cả phía ban lãnh đạo lẫn khách hàng. Một thống kê của Metlife - công ty bảo hiểm uy tín tại Mỹ - cho thấy 95% nhân viên ngân hàng họ phải làm việc cật lực và gần như không có ngày nghỉ trong tuần. |
|
Khoảng một nửa giám đốc ngân hàng tham gia khảo sát của Metlife thừa nhận áp lực trong công việc của họ trở nên căng thẳng hơn so với vài năm trước. 40% số họ khẳng định công việc rất căng thẳng, và khoảng 30% số họ nghĩ tới ý định bỏ việc nếu áp lực không giảm. |
|
CNBC dẫn một cuộc thăm dò ý kiến cho biết, chưa tới 1/4 nhân viên ngân hàng thổ lộ các khó khăn của họ với cấp trên, 77% số người nghĩ rằng tình trạng của họ sẽ tệ hơn nếu họ thổ lộ các vấn đề với nhà quản lý. |
|
Trong hai năm 2013 và 2014, giới truyền thông đã đưa tin về 3 vụ tự sát của nhân viên ngân hàng tại Anh, Mỹ và Italy. Họ tự sát vì không thể chịu nổi tình trạng công việc quá tải và những rủi ro tài chính đặc thù trong công việc. |
|
Để giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên, nhiều ngân hàng đẩy mạnh các chương trình duy trì sức khoẻ tâm thần tích cực cho nhân viên. Kết quả khảo sát của Metlife cho thấy, 67% số người trả lời cho biết tổ chức tài chính của họ cung cấp một số mức đào tạo để giúp họ đối phó với căng thẳng trong công việc và 88% thừa nhận họ có quyền tiếp cận với các chương trình tư vấn. 44% số người tham gia khảo sát cho biết họ bắt đầu được làm việc với giờ giấc linh hoạt hơn, nhờ đó có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao và giảm căng thẳng. |
Kim Cương
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/noi-kho-cua-nhan-vien-ngan-hang-huong-luong-hang-chuc-ty-dong-4247261.htm