|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nới điều kiện nhập ôtô, đại biểu Quốc hội lo biến tướng

22:30 | 09/11/2016
Chia sẻ
Các ý kiến thảo luận hội trường đồng tình đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, vì lo Việt Nam sẽ thành bãi rác công nghiệp nếu xe cũ được nhập ồ ạt.

Chiều 9/11, thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thẩm tra dự luật này, cơ quan thẩm tra cho biết vẫn còn 2 luồng ý kiến khi dự luật đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ôtô, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

Ý kiến thứ 2 đề nghị cân nhắc và làm rõ việc bổ sung trên có xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý Nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không.

"Uỷ ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện", thay mặt cơ quan thẩm tra Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh nói.

Đồng tình với tờ trình và thẩm tra về bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) phân tích, việc này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến "Việt Nam thành bãi rác công nghiệp nếu chúng ta khuyến khích. Thậm chí có thể biến tướng trong việc nhập khẩu xe mới, cũ".

noi dieu kien nhap oto dai bieu quoc hoi lo bien tuong

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ điều kiện kinh doanh "đưa vào, rút ra" tại dự luật. Ảnh: Giang Huy

Mặt khác, mặt hàng ôtô không phải là hàng hóa đặc biệt, sản phẩm phải thu hồi khi hết hạn sử dụng… "Nếu không quy định sản xuất, lắp ráp ôtô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng lớn và vô tình sẽ khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, xe cũ…", ông Phước Lộc nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) thì cho rằng, danh mục dự thảo luật đề xuất chưa "cháy nhà chết người", cần xem xét, bổ sung gấp.

Đề cập cụ thể với đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Bảo nhìn nhận, đây bản chất chính là Thông tư 20 gây lùm xùm, nhiều ý kiến trái chiều của Bộ Công Thương thời gian qua.

Bổ sung ngành nghề này vào kinh doanh có điều kiện, ông Bảo lưu ý, cần cân nhắc kỹ, không vì đề xuất của một hai địa phương mà phải vì toàn quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, một số lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ôtô vào ngành kinh doanh có điều kiện là chưa thuyết phục. “Nhập khẩu ôtô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền”, ông Hồng nói và đề xuất cần cân nhắc rất kỹ nếu đưa ngành này vào kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu… là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường.

Không đồng ý quan điểm cho rằng nếu đưa sản xuất, lắp ráp ôtô thành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo vị thế độc quyền, lợi ích nhóm, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc này sẽ góp phần đảm bảo an toàn, môi trường, tạo sự cân đối hài hoà giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Băn khoăn việc bổ sung 15 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào danh mục như tờ trình của Chính phủ, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) đề nghị ban soạn thảo cần gia cố cơ sở pháp lý của ngành nghề “đưa vào, rút ra”, tổ chức hội thảo với các hiệp hội ngành nghề để lắng nghe các ý kiến để đánh giá tác động.

Phát biểu cuối phiên thảo luận tại tổ TP HCM, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, bổ sung hoàn thiện thêm dự luật.

Nói thêm về việc đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô ô vào ngành kinh doanh có điều kiện, ông Đông phân tích, đây là ngành công nghiệp phải bảo vệ. Việt Nam với 90 triệu dân, khi tăng trưởng GDP tăng lên thì đóng góp của ngành công nghiệp này trên GDP cũng sẽ tăng trưởng.

Dẫn ví dụ hiện công nghiệp ô tô chiếm 12%GDP của Thái Lan, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, "nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì không tăng trưởng tỷ trọng nội địa hoá trong ngành công nghiệp này. Chưa kể, nếu cứ nhập khẩu mãi thì sẽ ảnh hưởng tới cán cân thương mại, nhập siêu, kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng...".

Vị Thứ trưởng Kế hoạch chốt lại: "Chính sách của mọi quốc gia đều phải tập trung tạo công ăn việc làm cho xã hội, đó cũng là nhiệm vụ của bất kỳ Chính phủ nào".

Nguyễn Hoài

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.