|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu tăng cao: Gánh nặng đè lên vai các ngân hàng

16:59 | 04/08/2020
Chia sẻ
Chất lượng tài sản của các ngân hàng đang bị ảnh hưởng lớn khi nợ xấu gia tăng mạnh trong khi quá trình cho vay ra lại hạn chế. Đây có lẽ là xu hướng khó tránh khỏi trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19.

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh

Kết thúc 6 tháng đầu năm, nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên và tăng nhanh hơn so với mức tăng trưởng của cho vay khách hàng. 

Theo thống kê của người viết, trong số 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí II/2020 chỉ có 24 ngân hàng đưa ra con số chi tiết về nợ xấu. 

Tổng số nợ xấu của 24 nhà băng này đã tăng 20,2% so với cuối năm trước với hơn 99.700 tỉ đồng, trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng cực kì khiêm tốn 3,5%. Tỉ lệ nợ xấu tương ứng là 1,75% trong khi vào cuối năm 2019 ở mức 1,51%. Đồng thời, có tới 19 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng, 5 ngân hàng có nợ xấu giảm.

Tất cả thông số trên đều cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi, mặc dù những tác động có vẻ sẽ chậm pha hơn.

BIDV tiếp tục là ngân hàng "quán quân" về số dư nợ xấu với 22.767 tỉ đồng, tăng 17% so với thời điểm cuối năm. Trong khi đó dự nợ khách hàng chỉ tăng nhẹ 2%, khiến tỉ lệ nợ xấu kéo từ 1,77% lên 2,03%.

Tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng diễn biến ra sao sau 6 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Xu hướng tăng nợ xấu xuất hiện ở hầu hết các ngân hàng (Nguồn: Lê Huy Tổng hợp).

Kienlongbank là một điểm nhấn đáng chú ý khi là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất và dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu. Số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng vọt lên 2.249 tỉ đồng, gấp 5,5 lần cuối năm trước với phần lớn là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5: 2.145 tỉ đồng). Tỉ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%. 

Tuy nhiên, yếu tố đột biến này không phải do hoạt động của Kienlongbank ở thời điểm hiện tại gặp vấn đề mà là do việc hạch toán khoản nợ khó đòi trị giá 1.900 tỉ đồng của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB sau khi được phân loại theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài Kienlonbank, VPBank và GPBank đang là hai ngân hàng "dẫn đầu" về tỉ lệ nợ xấu đều trên mức 3%. Tuy tỉ lệ nợ xấu ở mức cao, nhưng hai ngân hàng trên nằm trong số ít các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm trước.

Nếu không tính đến sự đột biến của Kienlongbank thì VietBank và VietinBank là ngân hàng có mức tăng nợ xấu lớn nhất lần lượt là 49,7% và 47,7% trong khi dư nợ lại tăng khá khiêm tốn 5% và 0,7%.

Nợ xấu của VietinBank tăng từ 10.800 tỉ đồng cuối năm trước lên gần 16.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) của ngân hàng đã tăng lên 7.155 tỉ đồng, gấp 3,5 lần cuối năm trước và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 85% lên 2.853 tỉ đồng trong khi nợ nhóm 5 lại giảm 17%.

Một số ngân hàng khác như SCB, SHB, ACB cũng ghi nhận nợ xấu tăng trên 30% trong nửa đầu năm.

Ở chiều ngược lại, Techcombank lại có những tín hiệu tích cực trong xử lí nợ xấu khi tính đến 30/6, nợ xấu của ngân hàng đã giảm 31,8% so với cuối năm trước về mức 2.100 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,33% xuống 0,91% sau 6 tháng.

Đặc biệt, nợ nhóm 5 của Tecchombank giảm tới 65% so với cuối năm trước trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 30% và 266%.

Cơ cấu nhóm nợ của Techcombank

Nợ xấu tăng cao: Gánh nặng đè lên vai các ngân hàng - Ảnh 2.

(Nguồn: BCTC quí II của Techcombank).

Nợ nhóm 2 tăng vọt ở nhiều ngân hàng

Tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng, bên cạnh nợ xấu gia tăng, nợ nhóm 2 của các ngân hàng cũng có xu hướng phình to. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc nợ nhóm 2 nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao. 

VPBank hiện đâng là ngân hàng có số dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cao nhất với 16.769 tỉ đồng. Đáng chú ý, dư nợ khách hàng của VPBank chỉ tăng 5% sau 6 tháng đầu năm nhưng  nợ đủ tiêu chuẩn của ngân hàng chỉ tăng 3% trong khi nợ cần chú ý tăng 37% so với thời điểm cuối năm trước.

Điều này cho thấy, nếu thị trường biến động mạnh, VPBank sẽ có nguy cơ phải đối mặt với các khoản nợ xấu lớn.

Tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng diễn biến ra sao sau 6 tháng đầu năm? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp BCTC các ngân hàng

"Ông lớn" Vietcombank, ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, lại là ngân hàng có mức tăng trưởng nợ nhóm 2 cao nhất trong các ngân hàng khảo sát, gấp hơn 3 lần cùng kì năm trước. Ngân hàng cũng đã tăng 57% chi phí dự phòng rủi ro  từ 10.416 tỉ đồng lên 16.371 tỉ đồng, đây cũng là mức chi dự phòng rủi ro cao nhất trong kì được công bố.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ nhóm 2 tăng đáng kể bao gồm VIB, Sacombank và ACB với mức tăng lần lượt là 114%, 62% và 54% so với cuối năm trước.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán mức nợ xấu hiện tại chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng tài sản của các nhà băng khi mà các khách hàng bị ảnh hưởng từ COVID-19 đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Các khoản nợ được tái cơ cấu, gia hạn,.. và được giữ nguyên nhóm nợ. 

Do đó, chính sách này đã ảnh hướng tới chất lượng khoản vay của các ngân hàng. Đồng thời, con số nợ xấu sẽ còn tăng cao trong năm 2021 khi chính sách ưu đãi trên hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.

Gánh nặng nợ xấu các ngân hàng tiếp tục tăng - Ảnh 3.

Tình hình nợ xấu và dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng. (Đvt: tỉ đồng)


Lê Huy