Ninh Bình không phải xả lũ
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, sáng 13/9 lũ trên sông Hoàng Long đang rút chậm. Lúc 8h nước sông tại Bến Đế là 4,81 m, trên báo động ba 0,81 m; tại Gián Khẩu 4,43 m, trên báo động ba 0,73 m. Dự báo trong 12 giờ giờ tới, lũ sông Hoàng Long rút nhưng vẫn ở mức cao.
Do mực nước sông Hoàng Long giảm, phương án xả tràn Lạc Khoái không thực hiện như dự kiến. Dù vậy, người dân trong diện di tản ở Gia Viễn, Nho Quan vẫn ở những nơi cao ráo như nhà cao tầng, trường học, nhà văn hóa... chờ phương án đảm bảo an toàn từ chính quyền địa phương.
Tràn được thiết kế thấp hơn mặt đê, đập. Trong tình huống nước dâng cao quá cao, gây nguy hiểm, cơ quan vận hành sẽ xả tại tràn để tránh vỡ đê.
Trước đó chiều 12/9, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ sông Hoàng Long khi nước sông lên nhanh và đã vượt mức 4,9 m (mực nước báo động phải thực hiện phương án sơ tán dân). Quá trình di dân các vùng trũng thấp được yêu cầu thực hiện xong trước 18h cùng ngày.
Chính quyền dự báo đến 19h ngày 12/9, mực nước sông Hoàng Long có khả năng lên 5,3 m và Ninh Bình phải xả tràn tại tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Tình huống buộc phải xả tràn sẽ có khoảng 55.000 dân của hơn 12.600 hộ thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập sâu.
Chính quyền các huyện Gia Viễn, Nho Quan sau đó đã di dân tại chỗ hàng nghìn hộ sinh sống trong vùng phân lũ. "Chủ yếu là di dân tại chỗ, từ tầng thấp lên tầng cao và ưu tiên sơ tán người già, trẻ nhỏ, hộ neo đơn đến nơi an toàn...", ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, cho hay.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi, những ngày qua khoảng 1.000 hộ dân ở tỉnh Ninh Bình bị ngập. Nặng nhất là khu vực thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn với 600 hộ dân bị ngập sâu 1-2m. Các điểm điểm trường mầm non và tiểu học của xã Gia Thịnh đã cho học sinh nghỉ học tránh lũ.
Sông Hoàng Long là hợp lưu của sông Bôi, sông Đập và sông Lạng, bắt nguồn từ vùng đồi núi của tỉnh Hòa Bình. Tại Ninh Bình, dòng sông này dài hơn 30 km, chảy qua ba huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư trước khi nhập vào sông Đáy.