Nikkei: PMI sản xuất Việt Nam lên mức cao nhất một năm rưỡi
Hôm nay, Nikkei công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tháng 11. Sau khi giảm hồi tháng 10, chỉ số này tăng trở lại, từ 51,7 điểm lên 54 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Đây là mức điểm mạnh nhất trong một năm rưỡi.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp, lên mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam đã phải tuyển thêm nhân viên, với tốc độ tuyển dụng nhanh hơn so với tháng trước. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp tốc độ tuyển dụng gia tăng.
Ngoài ra, giới sản xuất tăng lượng hàng dự trữ trong tháng, từ đó làm tăng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm.
Thời gian giao hàng đã được rút ngắn do có tình trạng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Tuy nhiên, mức độ rút ngắn thời gian nhìn chung vẫn còn nhỏ khi vẫn còn một số thành viên nhóm khảo sát cho biết việc giao hàng bị chậm do thiếu hàng hóa nguyên liệu.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker từ IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: "Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh nhất trong một năm rưỡi đã thúc đẩy ngành sản xuất trong tháng 11, theo đó sản lượng đã tăng trở lại và việc làm và hoạt động mua hàng cũng tăng nhanh hơn. Do đó, lĩnh vực sản xuất dự kiến có mức phát triển mạnh mẽ vào cuối năm 2016".
IHS Markit dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm 2017.
Chỉ số PMI do Nikkei khảo sát từ đầu năm đến nay:
Tháng 11: 54 Tháng 10: 51,7 Tháng 9: 52,9 Tháng 8: 52,2 Tháng 7:51,9 Tháng 6: 52,6 Tháng 5:52,7 Tháng 4: 52,3 Tháng 3: 50,7 Tháng 2: 50,3 Tháng 1: 51,5
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng Ngành Sản xuất tại Việt nam của Nikkei (Nikkei Vietnam Manufacturing PMI™) được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp. Thành viên tham gia khảo sát được phân loại theo GDP và số lượng nhân công của công ty. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 ngành: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải. Các câu trả lời khảo sát phản ánh sự thay đổi trong tháng hiện tại so với tháng trước đó dựa trên dữ liệu thu thập vào giữa tháng. Đối với mỗi thông số chỉ báo, 'Báo cáo' cho biết tỷ lệ người trả lời cho mỗi câu hỏi khảo sát, mức chênh lệch thực giữa số lượng câu trả lời cao hơn/tốt hơn và các câu trả lời thấp hơn/xấu hơn, và chỉ số 'khuynh hướng'. Chỉ số này là tổng của các câu trả lời tích cực cộng với một nửa câu trả lời 'giữ nguyên'. Các chỉ số khuynh hướng có những đặc tính của thông số chỉ báo hàng đầu và là những thước đo tổng hợp thuận tiện cho thấy chiều hướng thay đổi chủ đạo. Một chỉ số đạt mức hơn 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể. Chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei được tổng hợp dựa vào năm trong số các chỉ số riêng lẻ với những trọng số sau đây: Số lượng đơn đặt hàng mới - 0,3, Sản lượng - 0,25, Việc làm - 0,2, Thời gian giao hàng của nhà cung cấp - 0,15, Tồn kho các mặt hàng mua - 0.1, với chỉ số thời gian giao hàng được đảo ngược để chỉ số biến động theo một hướng có thể so sánh. |