Nikkei: Danh sách các nhà đầu tư tiềm năng chờ mua cổ phần của 12 Doanh nghiệp SCIC thoái vốn
Việc chính phủ Việt Nam có kế hoạch bán cổ phần nhà nước ở 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường đầy cạnh tranh với 93 triệu dân.
Chính phủ sẽ bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp tập đoàn lớn vào cuối năm 2017. Công ty cổ phần sữa Việt Nam hay còn gọi là Vinamilk nằm trong số những đối tượng đầu tiên sẽ được thoái vốn. Công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC hiện nắm giữ khoảng 45% cổ phần của Vinamilk, mỗi năm SCIC nhận khoảng 100 triệu USD tiền cổ tức mỗi năm. SCIC sẽ bán cổ phần của Vinamilk sau năm nay.
Nhiều quỹ đầu tư của Nhật, Mỹ và châu Âu đang bày tỏ ý định trở thành cổ đông của Vinamilk. Nhưng đối thủ cạnh mạnh nhất cho đến thời điểm hiện tại được cho là Thai Beverage hay còn gọi là ThaiBev, công ty sở hữu các thương hiệu như Chang Beer và Mekhong. Công ty này đã mua lại đối thủ Singapore Fraser và Neave vào năm 2013. Theo CEO của ThaiBev, Việt Nam chính là mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho các thương vụ mua cổ phần của ThaiBev hiện nay.
Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam với 40% thị phần và cũng có mạng lưới bán hàng lớn nhất nước về thực phẩm chế biến với 220,000 cơ sở và địa điểm bán lẻ, chính điều này trở thành lý do hấp dẫn ThaiBev. Việc trở thành đối tác cũng giúp Vinamilk mở rộng thị trường nước ngoài tại Thái Lan và Singapore.
Vinamilk bắt đầu phân phối sản phẩm đến khu vực Trung Đông với số lượng lớn trong đầu năm nay cũng như mở nhà máy sữa tại Campuchia vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, sự can thiệp của vốn nhà nước đã hạn chế cơ chế quản lý linh hoạt. Đây là lý do SCIC sẽ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk nhằm góp phần đưa doanh nghiệp này trở thành công ty toàn cầu.
Ngoài Vinamilk, chính phủ cũng sẽ thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn khác như Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn, hay Sabeco. 80,6% cổ phần nhà nước của Sabeco sẽ được bán toàn bộ đang thu hút nhiều công ty lớn đăng ký tham gia như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings của Nhật, Anheuser-Busch InBev của Bỉ và Boon Rawd Brewery của Thái Lan.
82% cổ phần của Habeco cũng sẽ được chào bán ra bên ngoài. Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch hiện đang nắm giữ gần 20% cổ phần còn lại của Habeco. Thị trường bia Việt Nam này càng trở nên hấp dẫn khi tiêu thụ năm ngoái tăng 10% lến 3,4 tỷ lít bia, còn cao hơn cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Cổ phần nhà nhà nước tại một số doanh nghiệp khác bao gồm Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh có thể sẽ được bán cho Siam Cement, công ty sản xuất vật tư lớn nhất Thái Lan. Trước đó, Siam Cement cũng đã nắm cổ phần của hai công ty khác ở Việt Nam. Theo Bộ Công thương, thị trường nhựa Việt Nam đang tăng trưởng từ 20-25% mỗi năm. Nhu cầu đóng gói thực phẩm và đồ dùng gia đình trong nước ngày càng tăng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường nhựa.
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng khẳng định thoái vốn nhà nước tại các công ty như Bảo hiểm Bảo Minh, công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, công ty Khoáng sản và cơ khí Hà Giang, công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Việt Nam, công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, FPT và công ty con FPT Telecom.
Vào cuối năm 2015, Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, chính phủ đã bán cổ phần tại 60 doanh nghiệp với giá trị hơn 233 triệu USD. Nhưng 12 công ty nằm trong kế hoạch mới nhất sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên trong số những doanh nghiệp cốt lõi của nhà nước được tư nhân hoá hoàn toàn.
Việc bán cổ phần diễn ra đúng thời điểm tận dụng lúc thị trường chứng khoán vẫn đang sôi động. Kể từ các chỉ số mất điểm mạnh vào cuối tháng 1, chỉ số VNIndex đã tăng 17%. Các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự khởi sắc này với 722 triệu USD đổ vào thị trường trong nửa đầu năm nay, nhiều gấp 3,5 lần so với năm ngoái.
Theo Ngọc Linh
Người đồng hành