|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Niêm yết sàn ngoại, giấc mơ và thực tế

06:47 | 08/07/2017
Chia sẻ
Việc một doanh nghiệp Việt được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) hàng đầu thế giới đã không còn là điều xa lạ. Mới đây, Công ty cổ phần VNG (VNG) ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Mỹ) để tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn NASDAQ.
niem yet san ngoai giac mo va thuc te
‘Cửa’ pháp lý cho việc niêm yết trên sàn ngoại đã mở, nhưng chắc chắn không dễ dàng. Nguồn ảnh: Tư liệu

Và nếu VNG sau này được niêm yết trên sàn NASDAQ (sàn chứng khoán hàng đầu cho các cổ phiếu công nghệ như Facebook, Apple, Microsoft, Google, Ebay…) thì đây sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên có tên trong “bảng vàng” NASDAQ - chính thức hoàn thiện “giấc mơ xuất ngoại” bấy lâu nay. Trước VNG, nhiều doanh nghiệp Việt đã ấp ủ ước mơ và bắt tay vào chuẩn bị cho mục tiêu niêm yết cổ phiếu ở một sàn chứng khoán nước ngoài. Đó là những tên tuổi khá nổi tiếng trên thị trường như VNM, SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô…

Tuy nhiên, sau thời gian chuẩn bị, các giấc mơ đều chưa thành hiện thực. Điển hình nhất là trường hợp của VNM, tháng 10.2008, doanh nghiệp này đã nhận được Thư Chấp thuận niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST) về việc phát hành và niêm yết 8.763.784 cổ phiếu phổ thông mới của VNM trong danh sách trên sàn giao dịch chính thức của SGX-ST. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm niêm yết của VNM đã không thành hiện thực.

Nguyên nhân chính là do ở thời điểm đó, mọi quy định còn khá chung chung nên doanh nghiệp chỉ dừng ở tìm hiểu, chưa bắt tay thực hiện. Hiện nay, các quy định pháp lý liên quan về việc doanh nghiệp Việt niêm yết trên TTCK nước ngoài đã được mở tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và sau đó Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58 tiếp tục bổ sung thêm quy định.

Tiếp đó, Thông tư 162/2015/TT-BTC cũng đã có hướng dẫn chi tiết hơn việc phát hành chứng khoán tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Và theo quan điểm của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ sở pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam phát hành và niêm yết trên TTCK nước ngoài có thể nói là khá đầy đủ. Do đó, với quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, niêm yết mới tại TTCK nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán, công bố thông tin theo quy định của thị trường sở tại là đủ yêu cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đó chỉ mới là về mặt lý thuyết. Cái khó và phức tạp sẽ nằm ở các khâu “hậu niêm yết” như thanh toán, giao dịch, báo cáo, cơ chế chia sẻ thông tin… Cùng với đó, theo quy định của Nghị định 58, doanh nghiệp chỉ được niêm yết phần vốn phát hành ở nước ngoài ra TTCK nước ngoài; còn phần vốn huy động trong nước thì vẫn phải tuân theo quy định pháp lý trong nước.

Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích chứng khoán độc lập của một quỹ đầu tư ngoại ở VN cho rằng, có một rào cản lớn nhất chưa được nhắc đến đó là việc cá nhân đầu tư ra nước ngoài.

Có thể nói như sau, một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài đồng nghĩa với việc cổ đông, nhà đầu tư nội địa có tài khoản ở nước ngoài và việc giao dịch phải tiến hành giao dịch bằng ngoại tệ. Đây là vấn đề chưa có câu trả lời bởi vì có thể hiểu khi đó, tiền của các cổ đông này đã ở nước ngoài mà không phải qua các bước thủ tục xin phép chuyển ngoại tệ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam như các quy định hiện hành. Điều này có thể hiểu là trái với quy định vì những doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài đều phải có giấy phép của NHNN. Các cá nhân đi định cư ở nước ngoài được phép mang theo hoặc chuyển ra nước ngoài một tỉ lệ tài sản nhất định thông qua việc chuyển tiền qua ngân hàng sau khi đã có giấy phép của cơ quan quản lý.

Thêm vào đó, nhà đầu tư nội về nguyên tắc phải ra nước ngoài mở tài khoản. Điều này hiện nay theo quy định là bất khả thi vì Việt Nam chưa cho phép người dân được tự do mở tài khoản giao dịch ở ngân hàng tại nước ngoài cho dù là gửi tiết kiệm. Rồi khi các cổ đông này bán cổ phiếu thì tiền được chuyển về Việt Nam như thế nào? Không đơn giản là việc việc ngân hàng nội địa nhận tiền của nhà đầu tư bằng ngoại tệ từ nước ngoài, rồi tự động chuyển đổi thành tiền đồng và chuyển vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư là không đúng quy định.

Xét một cách tổng thể, về lợi ích, việc niêm yết tài sản nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp; quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao giá trị của cổ phiếu niêm yết; thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty. Tuy nhiên, dù rằng cánh cửa pháp lý đã mở nhưng để thật sự tham gia vào cuộc chơi thì đòi hỏi phải có nhiều cánh cửa khác được mở đặc biệt là về chính sách quản lý ngoại hối, đầu tư cá nhân ra nước ngoài… Một viễn cảnh chưa phù hợp với thực tế.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quỳnh Như