|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài

09:22 | 19/09/2019
Chia sẻ
Nhìn vào những định hướng của Nghị quyết 50, tất cả càng thêm tin tưởng vào chiến lược thu hút FDI và có cái nhìn khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về FDI khi “chủ và khách” cùng nhìn về một hướng.
Niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Đồng Nai hiện có 1.804 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Sự ra đời của Nghị quyết cho thấy, Đảng và Nhà nước đánh giá đúng đắn khi nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn mới và có đánh giá đầy đủ về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế thì chúng ta mới có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.

Để hiểu rõ hơn về Nghị quyết cũng như thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, TTXVN xin giới thiệu bài viết của bà Đinh Thu Hằng, Phó ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

* Khi “chủ và khách” nhìn về một hướng

Sau hành trình hơn ba thập kỷ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công, Việt Nam đứng trước bối cảnh mới với xu thế hội nhập chuyển động không ngừng, đòi hỏi cần có chiến lược thu hút FDI mới.

Chính vì vậy, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW (Nghị quyết 50). Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI, thể hiện Việt Nam luôn coi trọng, đánh giá cao việc thu hút FDI phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 50 một lần nữa khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Với những thông điệp rõ ràng, nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn toàn yên tâm, được bảo hộ và bảo vệ quyền lợi chính đáng ở Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, kinh doanh tại một trong những điểm đến đầu tư an toàn và nhiều tiềm năng nhất thế giới.

Niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Nghị quyết 50 đang được kỳ vọng tạo bước đột phá mới trong thu hút FDI. Ảnh minh họa: TTXVN

Đặc biệt, nếu đặt Nghị quyết 50 trong bối cảnh 2 năm qua khi Bộ Chính trị lần lượt ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế (Nghị quyết số 10-NQ/TW) và Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW), mới càng thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này.

Việt Nam coi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là những "đội quân" chủ lực của nền kinh tế. Khi “đội quân” này cùng phát triển thì nền kinh tế mới có thể tăng trưởng nhanh, bền vững và nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu.

Nhìn vào những định hướng quan trọng này, tất cả càng thêm tin tưởng vào chiến lược phát triển kinh tế, thu hút FDI và có cái nhìn khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về FDI khi “chủ và khách” cùng nhìn về một hướng để mang lại lợi ích và hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế. 

Vấn đề còn lại là làm thế nào để thực thi hiệu quả Nghị quyết và công việc trước mắt là cần có chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng nhằm đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng và tác động tích cực hơn nữa tới nền kinh tế.

* Tạo đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy, Nghị quyết 50 chính là động lực quan trọng làm thay đổi cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng này.

Những quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển.

Ngược lại, những nền kinh tế mới nổi với lao động tay nghề thấp và khả năng linh hoạt kém sẽ phải hứng chịu tác động tiêu cực từ sự phát triển nhanh chóng của máy móc, tự động hóa và công nghệ thông minh.

Xu hướng trên đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là tìm kiếm thị trường, tận dụng chi phí rẻ, ưu đãi thuế và chính sách bảo hộ sản xuất. Hơn nữa, các thế mạnh tạo nên lợi thế so sánh của Việt Nam đang dần mất đi, kể cả lợi thế về nguồn lao động sẵn có với chi phí rẻ.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam “đi tắt, đón đầu”, bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực nếu có một chiến lược dài hạn, tổng thể, coi trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề mới.

Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đặc biệt là  đổi mới và nâng cao năng lực sáng tạo quốc gia. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định thành công của chính sách thu hút và sử dụng FDI trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, khoa học công nghệ phải đạt trình độ tiên tiến, đủ năng lực cung cấp tri thức và nhân lực chất lượng cao cho khu vực doanh nghiệp FDI. FDI phát triển mạnh mẽ một mặt sẽ tạo ra nhu cầu, mặt khác cũng hấp thụ tri thức tiên tiến cho hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước trong môi trường hoạt động kinh doanh và từ đó trở thành động lực đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp và năng lực nội sinh công nghệ quốc gia. Vấn đề này cần được thực hiện một cách đồng bộ, tương thích và có lộ trình, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn.

* Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 50 đề ra, trước hết Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách chung và khung pháp lý về đầu tư nước ngoài, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài từ khâu gia nhập thị trường, đầu tư kinh doanh và rút khỏi thị trường.

Đồng thời kiểm soát, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư kinh doanh, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp; tách riêng hoạt động quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài (gồm dòng vốn chuyển vào và chuyển ra khỏi Việt Nam); minh bạch việc mở cửa thị trường trong từng ngành, lĩnh vực; thống nhất các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tiếp cận đất đai, xây dựng và quản lý nhà nước đối với dự án của nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hoàn thiện quy định về cơ chế kiểm soát ban hành ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời tiếp tục cắt giảm ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đảm bảo thực hiện đầu đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.

Tiếp đến là điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sao cho tương thích với các cam kết của các Hiệp định (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; thực thi có hiệu quả FTA tạo thuận lợi thương mại của WTO mà Quốc hội đã phê chuẩn.

Đồng thời đảm bảo tương thích giữa Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến đầu tư nước ngoài với các điều ước quốc tế về bảo hộ đầu tư, nhất là những quy định liên quan đến bảo vệ quyền tài sản của nhà đầu tư, đối xử công bằng và giải quyết tranh chấp.

Đinh Thu Hằng, Phó ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư