|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Những tác động của dự án lấn biển Cần Giờ đã được tính toán kĩ lưỡng'

18:18 | 09/11/2020
Chia sẻ
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn sáng nay liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
'Những tác động của dự án lấn biển Cần Giờ đã được tính toán kĩ lưỡng' - Ảnh 1.

Khu vực thực hiện dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. (Ảnh: Người Lao động).

Tại phiên chất vấn sáng 9/11, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu vấn đề liên quan đến việc dự án Khu đô thị du lịch Cần Giờ sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn Cần Giờ.

Ông Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta làm sao để dự án cũng vẫn triển khai để vừa thúc đẩy kinh tế của TP HCM và của khu vực đi lên, đồng thời vẫn bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ?”.

Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, Cần Giờ có thể nói là một biểu tượng và là lá phổi của TP HCM. Đến nay, so với các quận, huyện khác thì Cần Giờ vẫn là một đô thị. Cả mức sống và thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều.

"Do đó, phải đặt được mục tiêu thứ nhất là giữ biểu tượng lá phổi của TP HCM, hay nói cách khác là giữ được hệ sinh thái, sinh quyển đã được UNESCO công nhận. Mục tiêu thứ hai là kinh tế đô thị phải dựa trên sự cân bằng về sinh thái", ông Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng TN&MT, dự án lấn biển Cần Giờ thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển khoảng 600 ha và hiện nay nâng lên hơn 2.800 ha. Trong đó có phần diện tích trên bờ. 

Cũng theo ông Hà, Bộ TN&MT đã trao đổi với UNESCO thì thấy, Cần Giờ phân ra các vùng là vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và bán lân cận. Hiện nay, dự án nằm tiếp giáp với vùng bán lân cận, đây là vùng không nằm trong quản lí mà sẽ thực hiện đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lí quyết định.

Ngoài ra, những tác động của dự án này đã được tính toán một cách hết sức kĩ lưỡng. Chủ đầu tư dự án cũng đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu.

Ông Hà cho biết thêm, khi thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, Bộ TN&MT chắc chắn sẽ không phê duyệt khi chưa nhận dạng đầy đủ các tác động. Hiện nay, ĐTM của dự án đã đánh giá được tác động trong khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, không khí, chất thải, tác động của đô thị lên môi trường tự nhiên.

“Chúng tôi đã tham vấn với các tổ chức bảo tồn thế giới, đặc biệt là tổ chức về đất ngập nước và xác định dự án phải đảm bảo hệ sinh thái không thay đổi. Chủ đầu tư hiện nay đã công khai gần như tất cả những tác động sẽ có để các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, theo vị này, có một yếu tố dự án chưa đề cập đó là lấy vật liệu ở đâu để san lấp. Vấn đề này trong ĐTM của dự án đã nêu cần phải có nghiên cứu. Hiện chủ đầu tư đang mời các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu và đưa ra phương án lấy vật liệu tại chỗ.

Cùng với việc để duy trì hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt thì chủ đầu tư cho biết sẽ tạo ra một hồ nước lớn để bổ sung nước biển và nước ngọt ở khu vực ngay giữa trung tâm đô thị. Nếu lấy vật liệu ở đây thì sẽ san lấp ra phía ngoài. Đây là giải pháp tốt nhất.

Bên cạnh đó, ĐTM của dự án đã có những tác động rất lớn được tính toán. Chẳng hạn, khi qui mô dân số đạt 280.000 hộ dân thì vấn đề nước ở đây đã được xử lí ở mức cao nhất, tương đương chất lượng nước mặt,...

“Tôi cho rằng đây là một dự án cần phải làm ở mức cao nhất. Và khi thành công, đây có thể là dự án về kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên hoàn hảo”, Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 10/2020, UBND TP HCM đã có quyết định giải thể Tổ công tác dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/10, bãi bỏ Quyết định số 3926 ngày 11/8/2015 của Chủ tịch UBND TP về việc thành lập Tổ công tác dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Việc giải thể này nhằm để TP HCM quản lí tập trung hơn đối với các dự án trên địa bàn. 

Dự án khu đô thị du lịch Biển Cần Giờ (Saigon SunBay) có qui mô khoảng 600 ha thuộc khu vực biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Trong đó, 400 ha là đất xây dựng và 200 ha là bãi biển nội bộ.

Phía Bắc của dự án này giáp một phần hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc Biển Đông 1, đường dọc Biển Đông 2, đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4; Phía Nam giáp biển Đông; Phía Đông giáp biển Đông (Vịnh Gành Rái); Phía Tây giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh).

Về tính chất, dự án được qui hoạch trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị kết hợp nghi dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn,... với qui mô dân số khoảng 230.000 người, phục vụ khoảng 8 - 10 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Khu đô thị được thiết kế thành 4 khu chức năng chính với mức đầu tư 1,4 tỉ USD, gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí và khu biệt thự căn hộ cao cấp phục vụ khoảng 31.000 cư dân và khách du lịch.

Vào tháng 6 vừa qua, dự án được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh qui mô từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 217.054 tỉ đồng (hơn 9 tỉ USD).

Hà Lê