|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những rủi ro liên quan đến cho vay vượt giới hạn

15:12 | 22/04/2018
Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan với một số điều kiện.
nhung rui ro lien quan den cho vay vuot gioi han 15 ngân hàng đang cho vay kinh doanh bất động sản hơn 160 nghìn tỷ đồng
nhung rui ro lien quan den cho vay vuot gioi han Công ty tài chính giăng bẫy cho vay 47,65% một năm
nhung rui ro lien quan den cho vay vuot gioi han Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ: VIB vui vẻ và bình thản đứng ngoài cuộc đua về tín dụng tiêu dùng
nhung rui ro lien quan den cho vay vuot gioi han
Dự án giao thông là một trong những dự án được phép cho vay vượt giới hạn. Ảnh: Thành Hoa

Ở mặt tích cực, quyết định trên đã tạo thêm nhiều dư địa để TCTD tự chủ trong việc cấp tín dụng, dựa trên khẩu vị rủi ro và chiến lược hoạt động của riêng mình mà ít bị cản trở bởi cùng một chiếc áo - quy định hoạt động - “may đo” bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chung cho cả hệ thống, miễn là các tiêu chí, giới hạn và tỷ lệ dảm bảo an toàn không bị vi phạm.

Ngược lại, quyết định này làm gợn lên lo ngại có thể bị lợi dụng để một số doanh nghiệp đầu tư vào những dự án được phép cho vay vượt giới hạn theo kiểu “tay không bắt giặc”, trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực được quy định khá chung chung như “dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ”, và “các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.

Một ví dụ cụ thể cho lo ngại trên là đầu tư trong lĩnh vực BOT xây dựng đường cao tốc. Nhiều nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn trúng thầu các dự án này đã phải hầu như dựa hoàn toàn vào vốn tín dụng ngân hàng để triển khai dự án, dẫn đến những hệ lụy như triển khai chậm tiến độ, chi phí cao, phải kéo dài thời gian thu phí sử dụng để bù đắp chi phí...

Tuy nhiên, trong quyết định trên có một điều khoản mà nếu thực hiện đúng thì có thể làm giảm khả năng xảy ra rủi ro trên. Cụ thể, theo điều 3 về điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, TCTD (phải) đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật các TCTD và các quy định pháp luật có liên quan.

Với quy định này, TCTD sẽ phải thận trọng khi cho vay vượt giới hạn với khách hàng để tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn. Ngược lại, nếu NHNN muốn hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực mà họ cho là rủi ro như BOT giao thông thì họ có thể nâng các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn này như là những cái van hãm dòng tín dụng vào những lĩnh vực mà họ không khuyến khích, mặc dù các lĩnh vực này có thể là những lĩnh vực được phép cho vay vượt giới hạn.

Nhưng đến đây lại có thể thấy rủi ro về sự chèn lấn, chồng chéo thẩm quyền. Giả sử tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, mỗi TCTD nói riêng và hệ thống nói chung đều đã tiệm cận mọi giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động do NHNN đề ra. Theo nguyên tắc, NHNN sẽ phải từ chối phê duyệt các dự án cho vay vượt giới hạn và sẽ không trình lên Thủ tướng. Nhưng nếu Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội đều muốn đẩy mạnh cho vay các dự án ưu tiên, cần khuyến khích thì NHNN rơi vào thế khó. Nếu NHNN, với tư cách là một cơ quan trực thuộc Chính phủ, tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, và Quốc hội thì phải sửa lại các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động theo hướng nới lỏng hơn, tức là kém an toàn hơn cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, trong khi một trong những sứ mệnh của NHNN là phải bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Bên cạnh đó, quyết định trên sẽ tạo ra gánh nặng, áp lực (và cả đặc quyền) lớn cho việc quản lý và phê chuẩn dự án cho NHNN, các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ, Thủ tướng. Theo quy định, mọi khoản vay vượt giới hạn đều phải được báo cáo, giải trình trước tiên với NHNN, sau đó, thông qua NHNN, đến các bộ, ngành, địa phương và cuối cùng lên Thủ tướng. Như vậy, những giao dịch cấp tín dụng giữa TCTD và khách hàng của họ, vốn thuần túy mang tính thương mại, đã bị biến thành giao dịch mang tính hành chính, có hơi hướng xin - cho, “huy động cả hệ thống chính trị”, lên đến tận cấp Thủ tướng. Trừ khi cả nước chỉ có một vài dự án thuộc dạng này, nếu không sẽ khó mà tính được phí tổn xã hội và cả những rủi ro liên quan cho những việc như vậy.

Tóm lại, tuy có thể những quy định tương tự như thế này là cần thiết ở một khía cạnh nào đó, trong ngắn hạn, nhưng cần thiết phải được hạn chế và hủy bỏ trong thời gian tới để nền kinh tế nói chung và hệ thống TCTD nói riêng vận hành theo đúng quy luật thị trường, minh bạch và không có các giấy phép “con” dưới dạng các bản giải trình, xin xỏ các cơ quan quản lý chức năng.

Phan Minh Ngọc