|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những nhân tố chi phối lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020

15:11 | 30/12/2019
Chia sẻ
Theo VCBS lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản. Theo đó, nhóm ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có khả năng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng với nhận định kết quả kinh doanh của các nhà băng trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản.

Với các ngân hàng đã đảm bảo được các tỉ lệ an toàn hoạt động của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ là bàn đạp cho tăng trưởng của nhóm này, trong khi chất lượng tài sản tốt giúp giảm trích lập dự phòng rủi ro nhưng vẫn có thể duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Vì vậy, các ngân hàng này có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận.

Ngược lại, nhóm các ngân hàng cần cải thiện các tỉ lệ an toàn sẽ gặp những áp lực nhất định lên nguồn vốn.Trong đó, các ngân hàng đang tái cơ cấu sẽ đưa ra lựa chọn hoặc tăng trưởng tín dụng thấp trong nhiều năm, hoặc đẩy mạnh quá trình xử lí nợ tồn đọng để tạo đà tăng cho những năm tiếp theo.

Basel II sẽ tạo ra sự phân hóa

VCBS cho rằng giới hạn tăng trưởng được cấp và thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ phụ thuộc việc đáp ứng chuẩn Basel II của NHNN hay không.

Theo VCBS, những ngân hàng đã được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016 sẽ tiếp tục được ưu tiên trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng. Với các ngân hàng còn lại, do vốn tự có chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng của tín dụng, nhu cầu tăng vốn là cấp thiết để đáp ứng Basel II và các tỉ lệ an toàn khác.

"Tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các TCTD có chất lượng tài sản tốt và tín dụng sẽ kém khả quan đối với các TCTD chưa xử lí xong nợ tồn đọng", Nhóm phân tích VCBS nhận định.

VCBS cho rằng qui định về tỉ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể tác động tới huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2020. Theo đó, tỉ lệ LDR tối đa đã được NHNN đưa về một mức qui định chung 85% cho cả ngành ngân hàng, mặt khác, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa sẽ giảm từ 40% về 37% vào 1/10/2020.

Mặt khác, việc thắt chặt có lộ trình các tỉ lệ an toàn hoạt động sẽ đòi hỏi các ngân hàng cần có sự cân đối nguồn vốn, điều đó tạo áp lực lên chi phí vốn của các ngân hàng. Trong khi lãi suất cho vay dự báo được duy trì ổn định, vì vậy, ngành ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng biên lãi ròng (NIM) trong năm 2020. 

Tuy nhiên, NIM có thể nới rộng hơn đối với các ngân hàng có khả năng cải thiện lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi thông qua mở rộng phân khúc bán lẻ hoặc giảm chi phí vốn thông qua tăng tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA). Ngoài ra, xu hướng mở rộng danh mục cho vay đến phân khúc bán lẻ của hệ thống sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2020 nhằm cho phép các ngân hàng cải thiện lợi suất cho vay và giảm thiểu rủi ro tập trung.

"Những ngân hàng có khả năng nâng cao tỉ trọng của phân khúc bán lẻ trên tổng dư nợ sẽ có thể cải thiện lợi suất sinh lời của tái sản sinh lãi nhờ việc cơ cấu lại danh mục tín dụng để hướng đến nhóm sản phẩm có lợi suất cho vay cao hơn", báo cáo phân tích cho biết.

Những nhân tố chi phối lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 2.

Chất lượng tài sản sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng lợi nhuận

Ngoài khả năng tăng trưởng tín dụng, VCBS cho rằng chất lượng tài sản cũng là một yếu tố tác động mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020.

Theo đó, nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lí nợ tồn đọng như Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank và VIB có lợi thế rõ ràng để duy trì đã tăng trưởng trong dài hạn do không còn phải trích lập lượng lớn dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp lợi nhuận không bị ăn mòn.

Ngược lại, nhóm đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đặc biệt các ngân hàng có nợ tồn đọng lớn như Sacombank, VietinBank, BIDV, NCB, SHB,… sẽ cần thêm thời gian để trích lập dự phòng rủi ro. Trong trừờng hợp hoàn tất quá trình xử lí nợ tồn đọng, các ngân hàng nhóm này sẽ có cơ hội bứt phá lợi nhuận trong những năm kế tiếp.

Mặt khác, VCBS dự báo tỉ trọng của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. 

 "Hoạt động bancassurance sẽ giúp nhiều ngân hàng cải thiện lợi nhuận, không chỉ từ phí trả trước của đối tác bảo hiểm mà còn từ khả năng phân phối dịch vụ bảo hiểm tới tệp khách hàng của ngân hàng đó", nhóm phân tích VCBS cho biết.

Những nhân tố chi phối lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 3.

Nguồn: VCBS

Quốc Thụy